Liên kết hình thành chuỗi giá trị ngành cơ khí

Cập nhật ngày: 27/06/2014 05:30:46

Thời gian qua, ngành cơ khí Đồng Tháp tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn chậm so với tốc độ bình quân chung của ngành công nghiệp chế biến. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc liên kết trong sản xuất là hướng đi tất yếu của ngành cơ khí trong tương lai.


Trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp trang bị hệ thống máy móc
đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cơ khí

Công nghiệp cơ khí được đánh giá là ngành có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế vì nó cung cấp phần nhiều thiết bị, máy móc cho các ngành kinh tế khác. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Ngành cơ khí địa phương chủ yếu hướng tới cung cấp các loại máy móc thiết bị phục vụ cho cơ giới hóa nông nghiệp để làm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; đáp ứng nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm máy móc, phụ tùng phục vụ cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp các sản phẩm phục vụ cho xây dựng. Giai đoạn 2001-2005, cơ khí tỉnh tăng trưởng bình quân 6,06%/năm, trong khi đó ngành chế biến tăng trưởng gần 19%/năm. Từ năm 2006-2010, ngành cơ khí có sự tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước, đạt bình quân 9%/năm nhưng ngành chế biến lại đạt ngưỡng trên 32%/năm.

Dù có sự tăng trưởng chưa nổi trội nhưng ngành cơ khí đã định hướng cho sự phát triển là liên kết trong sản xuất. Đối với sản phẩm cơ khí phục vụ công, nông nghiệp, xây dựng, ngành đã liên kết rất tốt với các đơn vị chuyên nhập khẩu, cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do trong nước chưa sản xuất. Ngoài ra, ngành còn tiến tới hợp tác với các đơn vị cơ khí đủ năng lực để đặt hàng sản xuất một số phụ tùng theo yêu cầu.

Thời gian qua, việc liên kết với các viện, trường được xem là hướng đi mở cho ngành cơ khí tỉnh nhà. Ông Phan Hiếu Hiền - Trung tâm Năng lượng máy nông nghiệp cho biết, trong hơn 15 năm qua, trung tâm đã có quan hệ mật thiết với địa phương, để liên kết tập huấn thì trao đổi công nghệ. Cụ thể, Trung tâm chuyển giao bản vẽ cho Công ty TNHH Cơ Khí Đức Thành chế tạo mẫu máy sấy tháp kiểu cột đứng với nhiều điểm mới; hợp tác khảo nghiệm quạt sấy cho máy sấy tĩnh vỉ ngang... Đối với Công ty Phan Tấn, không chỉ hợp tác mà Công ty còn cung cấp ngược lại cho Trung tâm một số sản phẩm như máy sấy đảo chiều. Trong năm 2014, Trung tâm và Công ty Phan Tấn hợp tác thực hiện đề tài nghiên cứu về máy cuộn rơm phù hợp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo liên kết phát triển nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất ngành cơ khí, ông Lê Hữu Dư, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngành cơ khí của tỉnh có phát triển nhưng chậm. Riêng đối với liên kết sản xuất chỉ mới mang tính bước đầu. Thực tế, trong liên kết vẫn phát sinh nhiều khó khăn nhất định.

Trong liên kết với các đơn vị nhập khẩu, phần lớn sản phẩm có chất lượng và giá cả khác nhau ảnh hưởng đến tính đồng nhất về chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chuyên nhập khẩu chỉ chú ý đến lợi nhuận thương mại, ít quan tâm về kỹ thuật dẫn đến chưa kiểm soát được các chỉ tiêu về chất lượng. Tuy các doanh nghiệp có liên kết tốt với một số đơn vị tại TP.Hồ Chí Minh trong đặt hàng sản xuất nhưng chỉ dừng lại một vài chủng loại sản phẩm. Phần còn lại các doanh nghiệp tự sản xuất nhưng tính chuyên nghiệp thấp, chưa đúng tiêu chuẩn, số lượng có hạn. Bên cạnh đó, mối liên kết với các đơn vị cùng ngành cũng chỉ dừng lại ở khai thác, hợp tác ở các sản phẩm có giá trị thấp, hay chỉ là hỗ trợ lao động...

Theo các chuyên gia, để ngành cơ khí tỉnh phát triển, cần tiến tới liên kết hợp tác và tin cậy lẫn nhau; cần nắm vững những đòi hỏi của thị trường; đẩy mạnh yếu tố con người. Ông Phan Hiếu Hiền - Trung tâm Năng lượng máy nông nghiệp cho rằng, yếu tố con người là quan trọng nhất. Khi có nguồn nhân lực đạt yêu cầu về trình độ kỹ thuật thì ngành cơ khí sẽ tạo ra được sản phẩm chất lương.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi đơn vị là một giá trị, cần liên kết thành chuỗi giá trị để cùng nhau phát triển. Cụ thể, việc phối hợp tạo ra chuỗi giá trị gia tăng ngày càng cao không chỉ dừng lại khâu gia công, đồng thời tiến tới thực hiện liên minh các ngành và xây dựng một số mô hình liên kết điểm, xây dựng yếu tố năng lực cạnh tranh cho các thành viên liên minh.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam. Đây được xem là cơ sở quan trọng giúp cho ngành cơ khí phát triển nhanh hơn... Theo chỉ thị, ngoài việc khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại, sẽ tập trung nguồn lực phát triển ngành cơ khí Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp chủ chốt, góp phần tích cực hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, chọn lọc và ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho công nghiệp ô tô; đóng tàu, giao thông vận tải, máy động lực, máy và thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn