Mô hình phục hồi quýt hồng Lai Vung của chàng kỹ sư 9x

Cập nhật ngày: 17/07/2022 10:18:09

ĐTO - Nhận thấy cây quýt hồng Lai Vung trong những năm trở lại đây chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh (28 tuổi) ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình trồng quýt hồng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao, bước đầu có những chuyển biến tích cực.


Anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh (28 tuổi) ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung

Trước đó, trong 1 lần tham gia học tập, trao đổi văn hóa tại Nhật Bản, anh Vinh đã được tiếp cận, tham quan vùng trồng quýt và tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt nơi đây. Từ đó, giấc mơ phục hồi quýt hồng quê nhà mà bấy lâu ấp ủ đã thôi thúc anh nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình trồng quýt hồng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao.

“Thực sự với ý tưởng trồng quýt hồng trong nhà màng, tôi đã có ý tưởng từ rất lâu, từ thời còn học đại học. Đặc biệt, gia đình lại có truyền thống làm nông nghiệp và rất thích trồng quýt. Khi thấy quýt hồng Lai Vung, từ vị thế nổi tiếng một loại cây có chỉ dẫn địa lý lại bị bệnh, diện tích giảm dần, tôi rất đau lòng. Bên cạnh đó lại chưa có biện pháp cụ thể, người dân bị bế tắc, nên bản thân cảm thấy cần làm gì đó để có kết quả, cho dù là một phần rất nhỏ thì cũng nên làm. Áp dụng công nghệ cao vào việc phục hồi quýt hồng nếu được kết quả tốt thì đó là điều có ý nghĩa cho quê hương, còn không thì đó là thử nghiệm đối với bản thân” - anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh chia sẻ.

Được biết trước đó, anh Vinh đã bén duyên và thành công với 2 mô hình nông nghiệp công nghệ cao là trồng dưa lưới và dưa lê vàng. Sau thời gian tìm hiểu kiến thức và tích góp kinh nghiệm từ thực tiễn, đến năm 2020, anh quyết định thực hiện giấc mơ phục hồi quýt hồng. Anh dành ra hơn 500m2 trong vườn để xây dựng nhà màng, trồng 50 gốc quýt hồng và áp dụng công nghệ cao để thử nghiệm. Qua hơn 2 năm miệt mài với mô hình thử nghiệm trồng quýt hồng, anh Vinh đã thu về những kết quả rất khả quan.

“Tôi cảm thấy rất bất ngờ khi quýt hồng rất phù hợp với việc trồng công nghệ cao khi thử nghiệm so với trồng truyền thống, thời gian được rút ngắn rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại cây phát triển rất tốt, tiết kiệm rất nhiều về chi phí phân bón, công lao động, không cần phải bón phân, tưới nước, vì đã có hệ thống tự động. Bên cạnh đó, nguồn phân bón được đảm bảo, chất lượng nên cây hấp thụ tốt, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nên sự thất thoát phân là không có” - anh Vinh chia sẻ thêm.

Theo đó, khi trồng quýt hồng trong nhà màng và áp dụng công nghệ cao, nhà vườn sẽ tiết kiệm được 60% chi phí phân bón và công lao động. Sự phát triển của cây nhanh hơn 1,4 - 1,5 lần so với cách trồng truyền thống. Đồng thời, mô hình này còn hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: “Thực tế cho thấy những cây quýt được trồng trong nhà màng của mô hình này sinh trưởng rất ổn định, rất tốt, có thể chủ động lượng nước, lượng phân, nên cây sinh trưởng rất tốt. Mặc dù chưa cho trái lần nào nên cũng chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế, nhưng thấy được ban đầu cây sinh trưởng ổn định, tốt, không có dấu hiệu của bệnh”.

Hiện tại, mô hình trồng quýt hồng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao của anh Vinh đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong việc phục hồi cây quýt hồng Lai Vung. Thực tế cho thấy, việc trồng quýt hồng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao giúp nhà vườn kiểm soát được độ ẩm, từ đó, các tác nhân gây bệnh vàng lá, thối rễ, héo xanh không có cơ hội để phát triển. Trong tương lai, anh Vinh sẽ tiếp tục xem xét hiệu quả kinh tế để có thể nhân rộng mô hình, hoàn thành giấc mơ, góp phần phục hồi cây quýt hồng quê nhà.

Thái Duy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn