Mô hình sản xuất giống nông hộ mang lại hiệu quả cao
Cập nhật ngày: 15/06/2015 12:35:25
Anh Nông Tấn Dí ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình trước đây chủ yếu sản xuất lúa thương phẩm, nhưng việc canh tác không mang lại hiệu quả cao do sử dụng lúa thịt để làm lúa giống. Qua thời gian canh tác, bản thân anh nghiệm ra lúa giống là nhân tố quan trọng cấu thành nên năng suất và chất lượng hàng hóa, từ đó anh mạnh dạn chuyển sang mô hình sản xuất giống nông hộ cung cấp nguồn lúa giống chất lượng cho nông dân.
Anh Nông Tấn Dí bên lò sấy lúa giống
Qua minh chứng thực tiễn về tầm quan trọng của lúa giống chất lượng trong canh tác, anh Dí tìm đến các cơ sở bán lúa giống uy tín mua về canh tác. Quả nhiên, những năm sau, lúa thương phẩm của gia đình anh cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn.
Song, giá thành lúa giống khá cao lại một lần nữa khiến anh Dí suy nghĩ làm thế nào để hạ giá thành sản xuất lúa thương phẩm. Trăn trở đó đã có hướng giải quyết khi anh được tiếp cận với lớp học sản xuất giống nông hộ. “Sau khóa học, tôi chỉ thực nghiệm khoảng 0,5ha giống lúa nguyên chủng VD20. Mục đích chính là lấy lúa giống phục vụ sản xuất cho đồng ruộng gia đình. Đồng thời, số lượng giống còn lại chia cho bà con xung quanh với giá rẻ hơn trên thị trường”. Anh Nông Tấn Dí chia sẻ.
Qua thử nghiệm ban đầu, anh Dí nhận thấy nhu cầu về giống chất lượng của bà con ngày một cao. Đó chính là cơ sở để anh chuyển 4ha trồng lúa thương phẩm sang sản xuất lúa giống (với các giống VD20, OM6976, Jasmin 85). Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhiều hơn về nguồn lúa giống, anh Dí tiến đến liên kết với bà con xung quanh qua việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) giống nông hộ với 28ha.
“Ngay từ đầu vụ, tôi cung ứng trước giống nguyên chủng cho các hộ nông dân trong CLB. Theo đó, tôi hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chăm sóc. Sau khi thu hoạch sẽ thu mua lúa tươi với giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg. Theo tính toán, với mỗi công lúa giống nông hộ, trừ toàn bộ chi phí bà con còn lãi hơn 800.000 đồng. Nhờ vậy đời sống bà con ngày một nâng lên. Hàng năm, tôi cung ứng giống cho thị trường gần 500 tấn lúa giống. Với sức hấp dẫn từ mô hình nên bà con tham gia vào CLB ngày càng nhiều” - anh Dí chia sẻ.
Tuy nhiên, cái khó trong sản xuất giống là đòi hỏi khâu chăm sóc phải thật tốt, đặc biệt là khâu khử lẫn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường về lúa giống chất lượng, theo quy định của CLB, anh Dí sẽ không thu mua sản phẩm nếu thành viên không tuân thủ kỹ thuật canh tác, khử bỏ lúa lẫn đúng theo quy trình. Đồng thời, khâu thăm dò nhu cầu thị trường để cung ứng những sản phẩm cũng là một trong những trăn trở trong những ngày đầu anh Dí tham gia mô hình. Bởi nếu người sản xuất và thị trường không gặp nhau thì đầu ra bị ách tắc.
Chia sẻ hướng đi trong thời gian tới, anh Nông Tấn Dí nói: “Với những kết quả mang lại, chúng tôi chuẩn bị các bước tiến tới thành lập tổ hợp tác (THT). THT không chỉ đơn phương tìm đầu ra như hiện nay mà sẽ hợp tác với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, tạo bước đi vững chắc cho mô hình giống nông hộ. Song song đó, THT tiến tới xây dựng bao bì nhãn hiệu để thu hút người tiêu dùng nhiều hơn”.
K.D