Mở ra cơ hội kết nối tiêu thụ hàng hóa với TP Hồ Chí Minh
Cập nhật ngày: 25/01/2022 09:49:09
ĐTO - Trong bối cảnh nỗ lực phục hồi chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh (TP HCM), doanh nghiệp (DN), nhà phân phối và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng “ngồi lại” để đẩy mạnh hoạt động đầu tư và tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương. Hoạt động này còn được kỳ vọng xây dựng mối liên kết giữa các bên chặt chẽ hơn.
Lễ ký kết giữa Sở Công Thương Đồng Tháp và đại diện Tiki, Sendo, Big C, Hội Công nghệ cao TP HCM
Tiềm năng kết nối với TP HCM
Theo đánh giá của UBND TP HCM, thời gian qua, dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề, lưu thông hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, TP HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chủ động trong việc tổ chức các hoạt động hợp tác kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại ngay sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Hoạt động này trên tinh thần khai thác tốt thế mạnh và sử dụng hiệu quả tiềm năng của mỗi địa phương; tạo cầu nối để DN các địa phương liên kết, hợp tác với nhau trong hoạt động sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa nông sản, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa hoạt động một cách hiệu quả, ổn định.
Thời gian qua, lãnh đạo TP HCM cùng các DN, nhà phân phối tổ chức nhiều chương trình khảo sát thực tế các vùng nguyên liệu sản xuất, cung ứng nông sản tại Đồng Tháp. Qua đó, nhằm thực hiện mô hình thí điểm kết nối trực tiếp, có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản và tiến đến nhân rộng mô hình cho toàn vùng ĐBSCL.
Ông Paul Le - Giám đốc Kiến tạo Giá trị thuộc Tập đoàn Central Retail chia sẻ: “Chúng tôi sẽ về lại Đồng Tháp và các tỉnh để xây dựng thương hiệu cho nông sản, đặc biệt xoài cát Hòa Lộc. Các thị trường lớn như Mỹ, Nhật... có nhu cầu rất lớn đối với trái cây Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới, Đồng Tháp và các tỉnh vùng ĐBSCL cần xây dựng thương hiệu cho nông sản”.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, qua các chuyến khảo sát, đoàn DN TP HCM ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong việc kết nối tiêu thụ nông sản như: các chương trình kết nối mà các tỉnh ĐBSCL và TP HCM xây dựng hướng đến việc gặp gỡ giữa bên bán-bên mua, các nhu cầu đầu tư vùng nguyên liệu; công nghệ chế biến sau thu hoạch; đầu tư cho logistics; xây dựng thương hiệu. Qua đó, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cùng hợp tác phát triển bền vững.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Toàn tỉnh có trên 4.300 DN, trên 200 hợp tác xã, 1.500 tổ hợp tác, 115 hội quán và 180 chợ, 8 siêu thị. Tuy nhiên, việc sản xuất nông sản của tỉnh vẫn thiếu sự gắn kết trong từng khâu chuỗi giá trị. Đồng thời, DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông sản đa phần sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính kết nối... Vì vậy, tỉnh mong muốn các DN, nhà phân phối tại TP HCM chú trọng đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, nâng cao kỹ năng thực hiện tốt tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn trong nước và quốc tế”.
Hướng đến phát triển bền vững
Theo đánh giá của UBND TP HCM, nhiều năm qua, người nông dân vùng ĐBSCL thường có xu hướng sản xuất tự phát, chạy theo phong trào, dễ dao động, có xu hướng hủy bỏ cam kết để chạy theo lợi nhuận trước mắt nên không xây dựng được các chuỗi cung ứng bền chặt, sản xuất không theo tín hiệu thị trường, dẫn đến hiện tượng được mùa - mất giá, giải cứu nông sản... Đặc biệt, thời gian cao điểm dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề, lưu thông hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến hệ lụy dư thừa tại vùng nguyên liệu nhưng lại khan thiếu ở vùng tiêu thụ.
Trước bối cảnh này, để hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa ĐBSCL và TP HCM tạo thành chuỗi giá trị bền vững, ông Nguyễn Minh Phương - Phó Giám đốc kinh doanh tiếp thị Công ty Chợ đầu mối Thủ Đức chia sẻ: “Đơn vị chuyên kinh doanh và phân phối mặt hàng nông sản trái cây, rau củ quả. Trong đó, hàng hóa từ các tỉnh ĐBSCL chiếm sản lượng 80%. Hiện nay, nhiều nông sản vẫn còn thiếu bao bì, nhãn mác. Chính vì vậy, lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL nên có định hướng tuyên truyền để nông dân, DN chú trọng hơn trong việc đầu tư bao bì, nhãn mác, sơ chế khi đến chợ, góp phần nâng cao giá trị nông sản”.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group chia sẻ, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng nông sản vùng ĐBSCL vẫn chưa chú trọng khâu chế biến nên giảm giá trị. Vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ đứng ra làm cầu nối để đưa sản phẩm nông sản từ vườn đến siêu thị, nhà phân phối. Đồng thời triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại với các tỉnh vùng ĐBSCL để cùng thống nhất sản lượng, giá cả để xây dựng vùng nguyên liệu với nông dân. Cùng với đó, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ nông dân các tỉnh trong việc chế biến, sơ chế, bảo quản nhằm phục vụ tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước...
Việc kết nối nông sản của tỉnh nhà với thị trường TP Hồ Chí Minh góp phần ổn định đầu ra
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp có nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản đạt chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian tới, song song với khai thác thị trường xuất khẩu, Đồng Tháp sẽ tập trung cho thị trường nội địa và TP HCM”.
Theo bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, thời gian tới, đề nghị lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các DN sản xuất và xuất khẩu TP HCM đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu; tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước và từng bước chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch. Qua đó, tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho DN TP HCM và các tỉnh.
Đồng thời yêu cầu Sở Công Thương TP HCM và các tỉnh theo dõi quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ký kết. Song song đó, các tỉnh vùng ĐBSCL, DN hỗ trợ, hướng dẫn cho các hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thông qua hoạt động đào tạo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa và các điều kiện tuân thủ cam kết với đối tác với người tiêu dùng...
Bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương vùng ĐBSCL vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của thành phố. Tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã các tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại tại TP HCM trong thời gian tới”.
KHÁNH PHAN