Mở ra cơ hội từ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu
Cập nhật ngày: 29/01/2017 06:04:01
ĐTO - Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, từ hướng đi này, ngành công thương có nhiều chương trình hành động thiết thực nhằm tạo điều kiện củng cố và phát triển doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Thu hoạch quýt hồng. Ảnh: T.Phong
Xây dựng nhãn hiệu - gieo trồng hạt giống
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu như gieo trồng hạt giống, nhằm tạo cơ sở để củng cố doanh nghiệp và phát triển thị trường, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng nhãn hiệu. Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần khô Tứ Quý (huyện Tam Nông) chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của ngành công thương, công ty đã xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm khô Tứ Quý. Có thể khẳng định, từ việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đã tạo động lực để đơn vị chú trọng hơn trong phát triển sản phẩm. Qua đó, hiệu quả kinh tế của sản phẩm từng bước nâng lên”. Công ty Cổ phần khô Tứ Quý hiện sản xuất và cung ứng trên 2 tấn sản phẩm/năm, tương đương 8 tấn cá tươi. Sản phẩm của đơn vị hiện chủ yếu cung cấp cho siêu thị Đồng Tháp, Công ty Thương mại dịch vụ đặc sản Đồng Tháp, thị trường TP.HCM...
Trong chiến lược tham gia về chuỗi để phát triển thương hiệu nông sản bền vững, nhất là khi Đồng Tháp đang triển khai theo chiều sâu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc liên kết tiêu thụ nông, thủy sản là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Để tiêu thụ tốt nông, thủy sản với giá trị gia tăng cao, yếu tố xây dựng, duy trì, phát triển nhãn hiệu, phát triển thương hiệu là vô cùng cần thiết. Bằng sự phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan, ngành công thương tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng, đăng ký nhãn hiệu. Từ đây, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh được “khai sinh” gắn với các giá trị về lịch sử, danh tiếng, chất lượng như: Cá tra giống Hồng Ngự, Ớt Thanh Bình, Khô Cá lóc Tràm Chim - Tam Nông, Sen Tháp Mười, Xoài Cao Lãnh, Nhãn Châu Thành, Chanh Bình Thạnh, Quýt hồng Lai Vung, Khoai môn Lấp Vò, Nem Lai Vung... Riêng sản phẩm gạo, mặt hàng chủ lực của tỉnh, hiện đã có 6 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ cho rất nhiều nhãn hiệu gạo, kể cả đăng ký độc quyền các logo và slogan.
Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu; quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Liên quan đến lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tỉnh cũng ban hành một số chính sách khuyến khích việc đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Nếu như trước đây, tập quán tiêu thụ, nhất là thị trường nông thôn, người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến nhãn hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm mà chỉ quan tâm đến giá cả, công dụng sản phẩm. Thì nay, người tiêu dùng nhận thức, quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm có nhãn hiệu, được đầu tư về chất lượng, chú trọng về hình thức.
Phát triển thương hiệu - vươn đến tầm nhìn
Việc xây dựng, đăng ký nhãn hiệu của mỗi đơn vị nếu được ví như gieo trồng hạt giống cho sản phẩm của mình thì vấn đề phát triển thương hiệu thể hiện được tầm nhìn của doanh nghiệp, tập thể sở hữu nhãn hiệu. Bà Mật Bích Khuầy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Sa Giang (TP.Sa Đéc), đơn vị dày dạn kinh nghiệm trong xây dựng thương hiệu cho rằng: “Việc tập trung duy trì phát triển thương hiệu đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn với nhiều hình thức và cách tiếp cận thị trường phong phú, đa dạng. Vậy nên, quá trình xây dựng thương hiệu rất cần bước đi bài bản, phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp để mang lại hiệu quả thật sự. Dẫu vậy, mỗi doanh nghiệp cần phải dựa vào nội lực, ưu thế của mình để tạo nên một sản phẩm chất lượng, uy tín, có đủ sức cạnh tranh để tự khẳng định và xây dựng hình ảnh thương hiệu cho mình...”.
Phân loại ớt ở Thanh Bình. Ảnh: T.Phong
Những năm gần đây, Sở Công Thương Đồng Tháp luôn tích cực hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp địa phương, nhất là các mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh. Cụ thể, Sở Công Thương cùng với các địa phương, doanh nghiệp, các hợp tác xã thực hiện nhiều chuyến khảo sát, tìm hiểu thị trường, đối tác tiêu thụ ở các tỉnh trong nước, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc. Ngành công thương cũng chú trọng tổ chức và tham dự các hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu, giao thương hai chiều giữa Đồng Tháp và TP.Hồ Chí Minh, các diễn đàn nhằm quảng bá hình ảnh và nhãn hiệu sản phẩm nông sản địa phương. Thông qua những chương trình này, các doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết được nhiều bản ghi nhớ, nhiều sản phẩm hàng hóa vào được các siêu thị danh tiếng; thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu. Hiện các doanh nghiệp đã xúc tiến việc liên kết, cung ứng hàng hóa cho các đối tác với các sản phẩm gạo, Xoài Cao Lãnh, Quýt hồng Lai Vung, Ớt Thanh Bình, Khô cá lóc Tràm Chim - Tam Nông...
Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Điều đáng ghi nhận là sau nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương, chủ sở hữu nhãn hiệu từng bước nhận thức được tầm quan trọng và vai trò trách nhiệm của mình trong việc phát triển thương hiệu. Mặc dù, trong quá trình tạo dựng thương hiệu, áp lực thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiến hành xây dựng nhãn hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm...”. Từ nguồn kinh phí của chương trình khuyến công, những năm qua, ngành công thương Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong kỹ thuật, cải tiến thiết bị máy móc, quy trình sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong việc mở địa điểm, đại lý bán hàng, trưng bày sản phẩm.
Thương hiệu vẫn được xem là mấu chốt của sản phẩm, mạch sống của doanh nghiệp. Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ. Trong các mục tiêu chính của đề án, ngành công thương cũng chú trọng vào vấn đề đầu tư đổi mới trình độ công nghệ sản xuất, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường. Đây cũng là điều kiện để ngành xây dựng chiến lược hành động nhằm yểm trợ, định hướng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, địa phương trong xây dựng và đăng ký nhãn hiệu. Qua đó, tiếp tục duy trì, phát triển quảng bá thương hiệu đi vào chiều sâu, mở ra cơ hội dần khẳng định được tiếng tăm, vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thanh Hiền