Năm 2015, ngành Tài chính phấn đấu thu cân đối ngân sách nhà nước 911,1 ngàn tỷ đồng

Cập nhật ngày: 24/12/2014 13:51:55

Ngày 24/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2015. Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 22/12, tổng thu NSNN là 831,19 ngàn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 105% dự toán; thu từ dầu thô đạt 118,4% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 104,5% dự toán. Ước tính cả năm thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 ngàn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Bên cạnh đó, công tác quản lý chi ngân sách được thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm; nâng cao hiệu quả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản được giao chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN trong năm 2014 vẫn còn một số tồn tại liên quan đến việc quản lý thu NSNN ở một số địa phương chưa theo sát tình hình thực tiễn của doanh nghiệp; cơ cấu chi ngân NSNN bộc lộ những tồn tại, hạn chế; dư nợ công vẫn còn tăng nhanh; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2015, ngành Tài chính xác định các nhiệm vụ trọng tâm như sau: dự toán thu cân đối NSNN đạt mức 911,1 ngàn tỷ đồng; tập trung công tác thu NSNN, quyết tâm phấn đấu tăng thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu để bù đắp số giảm thu về dầu thô; quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí cả trong chi thường xuyên và đầu tư; tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo khả năng trả nợ; quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các loại hình thị trường. Tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn