Năm 2022, kinh tế - xã hội tỉnh nhà có nhiều điểm sáng tích cực

Cập nhật ngày: 08/12/2022 18:35:07

ĐTO - Năm 2022, Đồng Tháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những chủ trương, quyết sách đúng đắn của lãnh đạo tỉnh cùng sự đồng lòng vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đưa kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc với nhiều điểm sáng tích cực.


Sản phẩm OCOP của tỉnh từng bước hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã bao bì đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. 
Ảnh: M.N

Năm 2022, Đồng Tháp thực hiện 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Kết quả có 19/22 tiêu chí đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 ước tăng 9,11%; quy mô kinh tế ước đạt 100.172 tỷ đồng, tăng 9.787 tỷ đồng so với năm 2022; GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,22%.

Nông nghiệp chuyển dần theo hướng an toàn, chất lượng. Nhiều tổ chức, cá nhân áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ, đem lại giá trị cao cho sản phẩm nông sản. Đến nay có 32 hợp tác xã đã đạt các chứng nhận an toàn thực phẩm (VietGAP, SRP) với diện tích gần 3.000ha; 31 hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng với diện tích khoảng 12.000ha.

Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phục hồi nhanh, tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,32% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.825,68 triệu USD, tăng 42,71%. Hoạt động thương mại và dịch vụ trong năm qua có sự phục hồi mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt trên 108.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2021.


Năm 2022, xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh mẽ

Năm 2022, hoạt động du lịch tỉnh phục hồi và tăng mạnh. Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đón 3,4 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 128% so với năm 2021. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 165% so với năm 2021. Đáng chú ý, trong năm, tỉnh tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, thúc đẩy hoạt động du lịch phục hồi sau đại dịch, quảng bá hình ảnh địa phương.

Công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư được tăng tốc thực hiện, qua đó thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đến nay, tỉnh tiếp nhận mới 74 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư; trong đó có 20 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 3.424 tỷ đồng.

Cùng với kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời, đầy đủ...

Những kết quả đạt được là thành quả của sự điều hành năng động, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời tạo tiền đề vững chắc để Đồng Tháp lạc quan và kỳ vọng về một bức tranh kinh tế tươi sáng hơn trong chặng đường phát triển sắp tới.

Xác định những thời cơ và thách thức trong năm 2023, UBND tỉnh đề ra các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 7,5%; GRDP/người đạt 68,83 triệu đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1.535 triệu USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 39,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,4%; giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới...


Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng về sản lượng và giá trị

Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh xác định đề ra các giải pháp chủ yếu gồm: Thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng hiện đại thích ứng với yêu cầu thị trường; huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, triển khai nhanh các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Song song đó, phát triển đô thị theo lộ trình; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn