Tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 60%

Cập nhật ngày: 05/12/2022 10:26:10

ĐTO - Tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (kể cả vốn năm 2021 kéo dài chuyển sang) của tỉnh là 5.9006,547 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 15/11/2022 là 3.499,936 tỷ đồng, đạt 59,26%, cao hơn 15,40% so với cùng kỳ (ngày 30/11/2021, đạt 43,86).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có 12 đơn vị thuộc sở, ngành tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh (trung bình của tỉnh là 59,26%). Chẳng hạn, Ban Quản lý Khu Kinh tế đạt 11,30%, chủ yếu do thực hiện dự án hạ tầng Khu Công nghiệp Tân Kiều còn chậm (dự án đã triển khai từ năm 2018 đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng) và dự án tuyến đường D-01 nối từ Cụm Công nghiệp Quảng Khánh đến Quốc lộ 30 tuyến tránh TP Cao Lãnh triển khai chậm, đến nay chưa ký hợp đồng thi công và chưa giải phóng mặt bằng. Sở Tài nguyên và Môi trường giải ngân đạt 30,37%. Nguyên nhân chủ yếu là các dự án chuyển tiếp đã được thanh toán khối lượng hoàn thành ở những tháng đầu năm và dự án kho lưu trữ thuộc Sở đang xin chủ trương thực hiện phát sinh một số hạng mục. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 36,59%, chủ yếu do Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Đồng Tháp và chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL) - WB9; Tiểu dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười - các huyện phía Bắc tỉnh Đồng Tháp đến nay cơ bản đã hoàn thành và dự kiến không giải ngân hết cả năm là khoảng 132,003 tỷ đồng...

Đến nay, UBND cấp huyện cơ bản triển khai tương đối tốt và tỷ lệ giải ngân đạt cao như: TP Sa Đéc đạt 87,55%, huyện Tháp Mười đạt 80,83%, TP Cao Lãnh đạt 75,35%... Tuy nhiên, có 3 huyện giải ngân còn thấp hơn mức trung bình của tỉnh. Cụ thể, huyện Thanh Bình đạt 34,69%, chủ yếu do dự án phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh Đồng Tháp (dự án Cù lao Tây) đang triển khai rất chậm, do vướng đền bù và các thủ tục đầu tư liên quan; dự kiến cuối năm không giải ngân hết là 196 tỷ đồng. Huyện Cao Lãnh giải ngân đạt 55,84%, chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm do người dân chưa thống nhất giá bồi thường, phải tổ chức vận động nhiều lần. Huyện Tân Hồng giải ngân đạt 58,40%, chủ yếu do dự án bố trí ổn định dân cư Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, chưa giải ngân 35 tỷ đồng đã bố trí, do điều chỉnh địa điểm xây dựng và dự kiến cuối năm không giải ngân khoảng 15 tỷ đồng; chậm báo cáo khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết đến UBND tỉnh như: công tác giải phóng mặt bằng của dự án cầu Tân Thành B, dự án đường ĐT845 đoạn Trường Xuân - Tân Phước...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn