Nâng cao giá trị tài nguyên bản địa với sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc

Cập nhật ngày: 19/10/2023 05:54:56

ĐTO - Thơm lừng, tươi mát nhưng lại hòa quyện tinh tế với vị ngọt thanh của mật ong rừng tràm, là cảm nhận của nhiều người khi lần đầu thưởng thức nước cốt chanh mật ong cô đặc, một sản phẩm vừa ra mắt thị trường của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh). Mặc dù mới xuất hiện nhưng sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc được kỳ vọng là sản phẩm mang đến nhiều đột phá mới cho nông dân sản xuất chanh tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long.


Nông dân chăm sóc chanh không hạt tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh)

Chế biến - đòn bẩy giúp nâng cao giá trị cho trái chanh không hạt Mỹ Long

Cũng như một số Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhiều năm qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long chỉ đơn thuần là trồng và bán sản phẩm chanh tươi cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, chanh không hạt loại II, loại III của Hợp tác xã ùn ứ với số lượng lớn, cũng từ đây đã khiến nhiều xã viên trong Hợp tác xã suy nghĩ tìm giải pháp để chế biến chanh không hạt, nhằm góp phần giải quyết đầu ra cho trái chanh. Ông Lê Văn Nam - thành viên Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long tâm sự: “Thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, các chợ đầu mối dừng hoạt động, sản phẩm chanh loại II, loại III của Hợp tác xã gần như không bán đi đâu được.

Thời điểm đó, mỗi tuần lượng chanh loại II, loại III của Hợp tác xã tồn đọng trên 10 tấn. Xuất phát từ thực tế đó, tôi suy nghĩ phải tìm giải pháp để chế biến chanh. Chanh không chỉ được sử dụng như một loại gia vị quen thuộc trong căn bếp của người Việt mà nó còn được sử dụng như một loại dược liệu thiên nhiên giúp hỗ trợ, điều trị một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như: viêm họng, ho... nên tôi bắt đầu nghiên cứu cách pha chế nước cốt chanh với mật ong rừng để uống thử và cho nhiều anh em trong Hợp tác xã dùng thử. Nhận thấy sản phẩm có triển vọng nên anh em trong Hợp tác xã mạnh dạn tìm đơn vị gia công, cũng từ đây sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc được hình thành”.

Tuy nhiên, từ ý tưởng cho đến sản phẩm hoàn chỉnh không phải là câu chuyện dễ dàng. Buổi đầu, các thành viên Hợp tác xã phải liên tục trao đổi với đơn vị gia công để điều chỉnh tỉ lệ từng thành phần trong sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc cho phù hợp. Sau những khó khăn đó, Tết Nguyên đán năm 2022, sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc chính thức ra mắt thị trường.

Khi phát triển thương mại cho sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc một thời gian, Hợp tác xã nhận thấy thị trường phản hồi khá tốt. Do đó, để chủ động trong quy trình sản xuất, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm, đầu tháng 7 vừa qua, được sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, các sở, ngành và đơn vị liên quan, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long đã đầu tư dây chuyền sản xuất nước cốt chanh mật ong cô đặc, đạt tiêu chuẩn ISO 22000: 2018 và HACCP Codex Alimentarius với quy mô công suất sản xuất khoảng 800kg chanh tươi, tương đương 4.000 chai sản phẩm/ngày. Đây được xem là đòn bẩy quan trọng để sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc của Hợp tác xã tiếp cận các thị trường cao cấp cũng như hướng đến thị trường xuất khẩu. Việc phát triển sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc không chỉ giúp Hợp tác xã giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm mà còn góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm chanh không hạt của Hợp tác xã lên đến 4 - 5 lần so với bán chanh tươi.


Ông Lê Văn Nam - thành viên Hội đồng Quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long giới thiệu sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc

Đưa sản phẩm nông thôn lên sàn thương mại điện tử

Để giúp sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi hơn, song song với việc đầu tư cho dây chuyền sản xuất, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long rất quan tâm đến việc quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Bên cạnh thường xuyên tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài tỉnh, Hợp tác xã còn quảng bá sản phẩm thông qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, TikTok, Zalo... và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng số thông qua việc bán hàng trên các nền tảng sàn thương mại điện tử.

Chị Dương Thoại Mỹ - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long cho biết, hiện nay, người tiêu dùng có nhiều thay đổi về hành vi mua sắm. Do đó, để sản phẩm của Hợp tác xã tiếp cận với người tiêu dùng, chúng tôi lựa chọn đẩy mạnh làm marketing cho nước cốt chanh trên cả kênh online và kênh ofline. Thông qua các nền tảng mạng xã hội, Hợp tác xã thực hiện nhiều tin, bài, video giới thiệu đến người tiêu dùng các thông tin về vùng trồng, nhà máy sản xuất, quy trình sản xuất nước cốt chanh mật ong cô đặc... Thông qua công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, Hợp tác xã mong muốn người tiêu dùng có thể hiểu thêm và tin yêu khi lựa chọn sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long. Mặc dù chỉ mới tiếp cận các nền tảng mạng xã hội thời gian gần đây, nhưng Hợp tác xã đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác lớn. Đặc biệt, số lượng đơn đặt hàng từ các sàn thương mại điện tử cũng tăng vọt mỗi ngày, đây là tín hiệu tốt để Hợp tác xã có thêm động lực tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng cho sản phẩm.

Để phục vụ cho thị trường xuất khẩu và chế biến, hiện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long có gần 40ha chanh được sản xuất và cấp chứng nhận GlobalGAP và có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất chanh không hạt theo hướng an toàn, có chứng nhận lên đến 100ha. Bên cạnh việc đẩy mạnh chế biến cho sản phẩm chanh, Hợp tác xã sẽ đẩy mạnh chế biến một số sản phẩm có nguồn gốc bản địa như: mít, xoài, sầu riêng... nhằm nâng cao giá trị nông sản cũng như giúp nông dân chủ động đầu ra cho nông sản.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn