Nâng cao tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn
Cập nhật ngày: 09/12/2021 10:46:43
ĐTO - Nông thôn là nơi “trở về” an toàn, đảm bảo sinh kế cho lao động nông thôn di cư trong bối cảnh đại dịch. Hơn thế, nông nghiệp là phương tiện chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn biên cương của Tổ quốc. Đặc biệt, khi nguồn lao động trẻ tập trung vào các khu công nghiệp, các đô thị, đứng trước nạn thiếu hụt lao động thì việc liên kết, hợp tác ở nông thôn đang được địa phương quan tâm nhiều hơn...
Nông dân Châu Thành thu hoạch nhãn
Quy mô nhỏ, vốn ít, thiếu công nghệ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có trên 18.300 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 79 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Đến nay cả nước có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX. Có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng bằng 13% và 12% tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Đặc biệt, đã có trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản. Tổng vốn hoạt động của HTX nông nghiệp hiện nay khoảng 29.425 tỷ đồng, bình quân 1,61 tỷ đồng/HTX. Doanh thu bình quân của một HTX đạt 2,44 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt trên 40,5 triệu đồng/năm.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, HTX là thể chế đầu tiên trong chuỗi giá trị nông nghiệp, song cần thay đổi về tư duy để tồn tại, phát triển trong tình hình mới. Cái khó nhất vẫn là quy mô nhỏ, thiếu vốn và nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực quản trị sản xuất kinh doanh ở HTX.
“Một trong những câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất là HTX có quy mô nhỏ, không đủ vốn, không đủ công nghệ” - ông Lê Đức Thịnh nói và gợi ý 4 giải pháp. Thứ nhất là đầu tư cho nguồn nhân lực; thứ hai là nâng cao tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tích hợp đa giá trị, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; thứ ba là đổi mới tư duy trong kinh doanh và liên kết, cần tiếp tục mở rộng quy mô của các HTX thông qua nhiều giải pháp khác nhau, từ tăng thành viên đến việc kết hợp với các HTX khác trong cùng lĩnh vực để mở rộng kinh doanh và hợp tác trong các hệ sinh thái; thứ tư, trong quá trình chuyển đổi, phát triển, các HTX cũng cần thay đổi tư duy trong liên kết với các doanh nghiệp đầu ra, cần phải tăng tính cam kết, chia sẻ giữa HTX và các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra. Đặc biệt, rất cần những hợp tác cụ thể, không chỉ là câu chuyện bán hàng mà còn là sự hỗ trợ, tương tác của hai bên trong việc xử lý vốn, xử lý công nghệ.
Ông Tám Bi (Nguyễn Văn Bi) - Giám đốc HTX rau Hòa Phát (TP Cần Thơ) nói rằng, HTX đã chuyển sang hướng sản xuất an toàn, được một dự án hỗ trợ giúp sơ chế đóng gói tại nông hộ, tìm được đầu ra nhưng diện tích nhỏ quá, phải chi có nhiều HTX liên kết lại. Nghe nói sức mạnh tập thể, các HTX rất mạnh, nhưng... mạnh ai nấy làm nên lúc đầu tiếp cận được một vài siêu thị nhưng tới nay thì dừng, vì không đáp ứng được yêu cầu đa dạng, đúng hẹn, đúng chuẩn, đủ số của các đại lý, siêu thị. Tới nay, HTX của ông Tám Bi đang “giậm chân tại chỗ” trong khâu cung cấp rau an toàn, quanh đi quẩn lại chỉ có các “mối ruột” ở các chợ truyền thống.
Kinh nghiệm sống còn
Duy trì được cán cân cung - cầu rất quan trọng, ông Trần Hoàng An - Giám đốc HTX nông nghiệp Evergrowth (Sóc Trăng) được sự hỗ trợ từ một dự án nước ngoài (năm 2004) với tổng số vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng cho biết, Evergrowth hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn. Hội đồng quản trị tự nguyện không hưởng lương, mỗi tháng họp một lần nghe báo cáo về tình hình hoạt động HTX và góp ý kiến định hướng. Việc minh bạch hóa các hoạt động được xem là một trong những nguyên nhân khiến HTX này thành công. Năm 2019, các thành viên HTX Evergrowth tham gia góp vốn cổ phần cùng với các cổ đông chiến lược làm chủ đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa mang tên Evergrowth tại khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng). Mỗi “nông trại” được nhà máy cấp mã code, sữa tươi được test và nhập mã code khi vào nhà máy. Người nuôi bò sữa được nhà máy cung cấp nguồn thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật kết hợp nguồn cỏ tươi để đạt đỉnh năng suất sữa 25kg sữa/ngày/1 bò sữa.
Huyện Châu Thành là địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp với diện tích hơn 3.660ha. Nhãn được trồng nhiều ở các xã: An Nhơn, An Phú Thuận, An Khánh, Phú Hựu. Từ nay đến cuối năm, huyện Châu Thành sẽ có hơn 340ha nhãn đến thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến vào khoảng 4.000 tấn.
Theo ông Lê Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông sản an toàn An Hòa (huyện Châu Thành), thời gian qua, do nằm trong vùng dịch nên HTX rất khó khăn trong tiêu thụ. Tỉnh Đồng Tháp và huyện Châu Thành cũng đã hỗ trợ cho HTX tiêu thụ được một phần cho nông dân. HTX đã hợp tác cung ứng 5 tấn nhãn cho sàn thương mại điện tử Postmart.vn và 3 tấn nhãn cho sàn thương mại điện tử Voso.vn để bán cho khách hàng. Kinh nghiệm sống còn của ông Lê Văn Hùng là việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và HTX nông nghiệp chuyển theo hướng sản xuất sạch thì mối liên kết sản xuất - tiêu thụ và tỷ lệ thành công sẽ khá hơn. Ngoài ra, việc tương trợ nội bộ làm theo tiêu chuẩn, hạ giá thành sản xuất, tranh thủ ngoại lực để có thêm vốn, kỹ thuật, nâng cao chất lượng, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp ngành là công việc hết sức cần thiết.
Nguyệt Đỗ