Ngành công thương tiếp tục thúc đẩy mở rộng thị trường trong và ngoài nước
Cập nhật ngày: 29/10/2024 05:33:19
ĐTO - Theo Sở Công Thương, 9 tháng đầu năm 2024, cả 3 lĩnh vực chính của ngành gồm: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa duy trì đà tăng trưởng khả quan. Qua đó đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh
Ngành công thương tiếp tục tăng trưởng
Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước đạt 57.000 tỷ đồng, tăng 10,65% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 74,28% kế hoạch.
Khu vực thương mại - dịch vụ duy trì tăng trưởng, nguồn cung hàng hóa nội tỉnh tương đối ổn định. Các cơ sở, DN dành nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt hơn 104.740 tỷ đồng, tăng 11,68% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 71,75% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.404 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 100,01% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế. Sản xuất và xuất khẩu tuy có phục hồi nhưng còn đối mặt nhiều thách thức; một số sản phẩm công nghiệp sản xuất có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm 2023 (cát sỏi, thuốc lá điếu, sản xuất dược, may mặc). Ngoài ra, DN sản xuất còn chịu áp lực từ sự gia tăng của tỷ giá đồng USD, chi phí logistics; sự thiếu hụt lao động tại một số DN trong lĩnh vực chế biến, may mặc; một số ngành sản xuất gia công (may mặc, giày da) phụ thuộc vào đơn hàng; các ngành sản xuất dược (thuốc viên các loại), sản xuất thức ăn chăn nuôi, may mặc... phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cũng chịu áp lực về các rào cản thương mại ngày càng gay gắt hơn...
Trên cơ sở kết quả ước đạt được 9 tháng đầu năm và những khó khăn từ thực tế, ngành công thương đề xuất các chỉ tiêu phấn đấu dự kiến thực hiện trong quý IV và ước thực hiện cả năm 2024. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp quý IV ước đạt gần 21.640 tỷ đồng. Đến cuối năm giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 78.700 tỷ đồng, tăng 8,59% so với năm 2023, đạt 102,47% kế hoạch.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý IV ước đạt gần 36.260 tỷ đồng, đến cuối năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 141.000 tỷ đồng, tăng 11,49% so với năm 2023. Xuất khẩu hàng hóa quý IV ước đạt 295,7 triệu USD. Đến cuối năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.700 triệu USD, tăng 30,74% so với năm 2023, đạt 121,43% kế hoạch.
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Trên tinh thần đó, ngành công thương đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Theo đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, sở ngành liên quan quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN. Rà soát các dự án đang triển khai xây dựng, nhất là các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành nhằm gia tăng thêm năng lực mới cho ngành; đồng hành, kết nối, đối thoại với DN để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, xu hướng đầu tư của DN để đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất. Vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị thông qua chính sách khuyến công để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa.
Đối với phát triển thị trường trong nước, ngành công thương tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025; phương án phát triển ngành thương mại thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 theo Quy hoạch tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá.
Đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để khai thác hiệu quả thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng. Phối hợp với các đơn vị truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa; xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.
Riêng việc xuất nhập khẩu hàng hóa, ngành công thương hỗ trợ các DN xuất khẩu khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ DN chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Đồng thời duy trì đều đặn các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để theo dõi sát diễn biến thị trường, cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Qua đó khuyến nghị đối với các địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, đồng thời định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường...
Mặt khác, nâng cao năng lực dự báo thông tin thị trường thông qua việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thông tin phân tích thị trường nhằm thông tin sớm, kịp thời cho DN để định hướng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện tốt công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ các ngành hàng sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của DN, người dân...
Y Du