Ngành hàng lúa gạo trong tái cơ cấu nông nghiệp
Cập nhật ngày: 22/02/2022 05:37:52
ĐTO - Lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN). Nhìn lại hiệu quả của ngành lúa gạo thời gian qua, tạo thêm nhiều động lực để tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án TCCNN.
Chế biến gạo xuất khẩu
Thực hiện Đề án TCCNN, chất lượng lúa gạo đã có sự thay đổi lớn nhờ vào việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa. Tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao tăng từ 47,4% năm 2013 lên 49,9% năm 2016 và 62,0% năm 2020; tỷ lệ sử dụng giống lúa nếp tăng từ 5% lên 10,8% và 20,6%; tỷ lệ sử dụng giống lúa thường (IR50404 và Butyl) giảm mạnh từ 47,6% xuống 39,3% (năm 2016) và còn 17,4% (năm 2020). Đồng Tháp trở thành tỉnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa mạnh nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh đã đổi mới phương thức canh tác lúa theo hướng bền vững và giảm chi phí. Ngoài 70 mô hình với diện tích 140ha canh tác theo phương thức “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trình diễn, tỉnh đã nhân rộng lên được hơn 24 ngàn ha, gấp 172 lần so với diện tích mô hình trình diễn. Nông hộ áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” đạt được hiệu quả, giảm được từ 70-90kg giống/ha/vụ và giảm từ 12-30kg đạm nguyên chất sử dụng trên 1ha/vụ, giảm phun thuốc từ 2 -3 lần/vụ. Nhờ đó, lợi nhuận của các hộ nông dân tăng 34,8% đối với nhóm lúa thường, 52,5% đối với nhóm lúa chất lượng cao khi so sánh vụ đông xuân 2014-2015 và vụ đông xuân 2019-2020. Song song với đó là hiệu quả về mặt môi trường. Nhờ chuyển 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm mà đất không bị khai thác quá mức dẫn đến thoái hóa, cạn kiệt dinh dưỡng.
Những năm qua, tỉnh mạnh dạn đầu tư nhiều loại trang, thiết bị, máy nông nghiệp mới vào sản xuất nhằm mục tiêu cơ giới hóa tăng năng suất và giảm chi phí lao động. Ngay từ những năm trước khi thực hiện Đề án TCCNN, tỷ lệ cơ giới hóa của tỉnh đã cao hơn so với bình quân chung hiện nay của cả nước với 90-100% cơ giới hóa khâu làm đất và khâu thu hoạch. Trong giai đoạn thực hiện TCCNN, tỉnh đã tích cực cải tiến thông qua việc sạ/cấy lúa bằng máy thay cho việc sạ lúa bằng tay, thu hoạch lúa 100% bằng máy gặt đập liên hợp thay cho máy gặt xếp dãy. Ngoài ra, tỉnh còn có các mô hình canh tác lúa lý tưởng cơ giới hóa 100% ở tất cả các khâu, đặc biệt việc phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, cấy bằng máy cấy hiện đại tích hợp 3 chức năng cấy, bón phân và phun thuốc diệt cỏ hay sử dụng hệ thống dự báo sâu bệnh và quản lý dịch tễ qua hệ thống GIS, sử dụng công nghệ 1 chạm - 5 biết, bơm - tưới nước tự động thông qua hệ thống cảm ứng mực nước thông minh.
Nông dân cũng tích cực áp dụng các biện pháp xử lý phụ phẩm sau thu hoạch giúp vừa tăng thu nhập, vừa giảm gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể như việc tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch là rơm, hạn chế đốt rơm trên đồng ruộng, mang hết rơm rạ thừa sau thu hoạch ra khỏi đồng ruộng để làm sạch đất và cắt mầm bệnh của vụ mùa trước. Vụ hè thu 2020 đã có 30% diện tích bán rơm tươi hoặc khô, thương lái mua với giá từ 300 ngàn - 600 ngàn đồng/ha rơm, giúp tăng thu nhập cho người trồng lúa. Các cuộn rơm tròn được chuyển đi bán tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre hoặc các tỉnh miền Đông Nam bộ. Rơm có thể được dùng làm phân bón sau khi được xử lý bằng men vi sinh, làm thức ăn cho gia súc hoặc dùng rơm mục sau khi trồng nấm rơm, làm phân hữu cơ, giữ ẩm cho đất trồng cây ăn trái...
Chế biến sâu của ngành hàng lúa gạo chung cả nước chưa thực sự được chú trọng và phần lớn được chế biến theo công nghệ đơn giản, phục vụ tiêu thụ trong nước, thì Đồng Tháp đã có những chính sách thu hút đầu tư như giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư kinh doanh chế biến gạo, sản phẩm sau gạo. Đến nay, có 4 doanh nghiệp lớn sản xuất trên 10 chủng loại sản phẩm chế biến sau gạo, trên 400 cơ sở sản xuất bột gạo các loại, phát triển làng nghề bột; 26 cơ sở sản xuất củi trấu và 3 dự án đầu tư chiết xuất dầu cám. Với các dòng sản phẩm chế biến sâu, giá trị tăng thêm so với gạo khá cao, gấp 2-4 lần, như sản phẩm ống hút gạo được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.
Hàng năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt khoảng 3,3 triệu tấn, cho ra khoảng 300.000 tấn cám. Đây không chỉ là nguyên liệu cho các nhà máy thức ăn gia súc, thủy sản mà còn là nguyên liệu cho các dự án trích ly dầu gạo từ cám. Bình quân cứ 18kg cám trích ly được 1kg dầu gạo thành phẩm. Như vậy, nếu tận dụng toàn bộ hơn 300.000 tấn cám gạo mỗi năm sẽ trích ly được 16 triệu lít dầu gạo. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án đầu tư chiết suất dầu cám. Xu hướng sử dụng dầu gạo trên thế giới ngày càng lớn, mỗi năm toàn cầu mới chỉ sản xuất 1,7 triệu tấn dầu gạo. Viên nén trấu là sản phẩm được tận dụng nguyên liệu từ trấu sau quá trình xay xát lúa gạo. Viên nén trấu được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như làm chất đốt, chăn nuôi-lót chuồng, được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và thị trường châu Âu. Giá viên nén trấu ở Đồng Tháp khoảng trên 1.000 đồng/kg, cao hơn 2-3 lần so với mua trấu nguyên liệu.
Thành tựu lớn nhất của tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo là đã phát triển được liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Giá thu mua của các công ty thường cao hơn mức giá thị trường, như lúa giống cao hơn 900 đồng/kg, với các loại lúa thương phẩm cao hơn 50-200 đồng/kg so với giá thị trường. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân và không cung cấp giống, vật tư đầu vào cho nông dân; chỉ có một số công ty như Công ty Lương thực Đồng Tháp cung cấp một phần vật tư đầu vào cho nông dân và cũng có công ty cung cấp toàn bộ giống, vật tư cho nông dân như Tập đoàn Lộc Trời.
Ngành hàng lúa gạo của tỉnh sẽ theo định hướng nâng tầm khâu sản xuất trên cơ sở lấy tiêu chí về giá trị, chất lượng là hàng đầu thay vì các tiêu chí về số lượng như trước đây. Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ hình thức sản xuất, phương thức sản xuất, cách thức đầu tư và đa dạng sản phẩm. Cụ thể, hình thức sản xuất có thể kết hợp lúa - du lịch - sinh thái; phương thức sản xuất là áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... Toàn bộ quá trình sản xuất này phải được ứng dụng công nghệ nhằm truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm...
TN