Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới

Cập nhật ngày: 15/11/2023 15:23:16

ĐTO - Trong 2 ngày 18 - 19/11/2023, tại Quảng trường Công viên Văn Miếu (TP Cao Lãnh) sẽ diễn ra Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển” lần thứ I năm 2023. Đây là sự kiện quan trọng và được ấp ủ trong thời gian dài của tỉnh Đồng Tháp với mô hình Hội quán đã có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.


Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển” lần thứ I năm 2023 diễn ra từ ngày 18 - 19/11/2023, tại Quảng trường Công viên Văn Miếu (TP Cao Lãnh) (Ảnh: M.X)

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Hội quán được thành lập là mô hình mới, cách làm sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp do đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp) khởi xướng. Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập ngày 3/7/2016, với 105 hội viên, đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 145 Hội quán với gần 7.600 hội viên, trong đó có 714 người trong Ban chủ nhiệm Hội quán. Hội quán còn là mô hình mở, dựa trên hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, đã có 38 Hợp tác xã được thành lập từ mô hình Hội quán và hoạt động của các Hợp tác xã bước đầu đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Điểm đặc biệt của các Hội quán trên địa bàn tỉnh là không có giới hạn về địa giới hành chính mà chỉ cần người dân có chung ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều có thể tham gia. Phương châm hoạt động của Hội quán cũng có nhiều điểm đặc biệt, đó là: 3 không (không tổ chức bộ máy, không chi phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất); 3 cùng (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng) và 3 tự (tự nguyện, tự quản, tự quyết định). Thành viên Hội quán thì rất đa dạng về thành phần, trong đó có nông dân, cấp uỷ, chính quyền, cán bộ hưu trí, đảng viên, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tôn giáo, doanh nghiệp, nhà khoa học, các chuyên gia, văn nghệ sĩ,... cùng tham gia sinh hoạt trong một không gian cộng đồng và cùng nhau định hướng kế hoạch phát triển cộng đồng, phát triển sản xuất, kinh doanh, chia sẻ công việc chung. Mỗi Hội quán đều gắn với ngành nghề, lĩnh vực cụ thể và nội dung hoạt động của Hội quán tương đối phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực như: chăn nuôi; sản xuất nông nghiệp; sản xuất khô, mắm; sản xuất sản phẩm làm từ tre, gỗ; kinh doanh buôn bán; trồng hoa, kiểng; kinh doanh nhà trọ; sản xuất bột, trồng cây có múi; văn nghệ sĩ...

Trải qua 7 năm hình thành và phát triển, mô hình Hội quán đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Đặc biệt, từ hoạt động của Hội quán đã giúp gắn kết tình làng, nghĩa xóm; các thành viên của Hội quán quan tâm giúp nhau trong việc quản lý con cháu không tham gia các tệ nạn xã hội, chăm ngoan, học tốt; một số thành viên còn tích cực tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở... từ đó, Hội quán dần trở thành trung tâm gắn kết cộng đồng và là chất xúc tác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.


Xã Mỹ An Hưng A (huyện Lấp Vò) trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp đặc trưng tại Ngày Hội Khoai môn vào ngày 25/9/2023

KỲ VỌNG TỪ NGÀY HỘI

Việc tổ chức Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển” lần thứ I năm 2023, với mong muốn của Ban Tổ chức Ngày hội Hội quán là để ghi nhận, cổ vũ, động viên những đóng góp tích cực của các thủ lĩnh và thành viên các Hội quán trong thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh; tạo điều kiện cho các Hội quán giao lưu, liên kết hợp tác, giới thiệu sản phẩm; đẩy mạnh truyền thông các hàng hóa có thế mạnh, sản phẩm an toàn, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của Hội quán; nâng cao nhận thức cho các thành viên của Hội quán hướng đến mục tiêu sản xuất “xanh - sạch - an toàn”; phát huy tinh thần hợp tác, liên kết trong nông nghiệp, hướng đến Hội quán xây dựng mô hình Làng thông minh, Làng hạnh phúc…

Kỳ vọng của Ngày hội Hội quán lần này là nơi tập hợp tiếng nói, nguồn lực của cả khu vực công và khu vực tư; là nơi kết nối, hợp tác, thúc đẩy và gắn kết các xu hướng đổi mới, sáng tạo với các mô hình sản xuất, kinh doanh truyền thống của tỉnh để tạo ra các lợi thế cho thành viên các Hội quán chuyển biến về nhận thức, sản xuất theo hướng công nghệ cao, theo quy trình hữu cơ sinh học... Đồng thời, giúp các cấp ủy, chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp nêu ra hết các vấn đề từ nhiều góc nhìn khác nhau để từ đó tác động đến tư duy, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo mục tiêu, định hướng chung, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và phát triển của Hội quán trong thời gian tới.

Phú Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn