Nghề đan thúng ở Vĩnh Thạnh đang gặp khó khăn

Cập nhật ngày: 05/09/2012 09:15:47

Đan thúng là nghề truyền thống ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò. Sản phẩm của làng nghề từ lâu vốn nổi tiếng và được nhiều nơi biết đến vì mẫu mã đẹp, độ bền cao. Tuy nhiên, những năm gần đây nghề đan thúng đang gặp khó khăn.

Người theo nghề đan thúng hiện tập trung ở hai ấp Vĩnh Lợi và Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Thạnh). Hỏi về nơi phát triển và tạo nên sự thịnh vượng, sung túc cho những người theo nghề, chúng tôi được địa phương giới thiệu đến xóm thúng Ngã Cũ thuộc ấp Vĩnh Lợi là nơi nhiều hộ còn giữ nghề. Tuy nhiên, hỏi nghề đan thúng ở địa phương có tự bao giờ? Nhiều người lớn tuổi ở xóm thúng Ngã Cũ lắc đầu chịu thua. Họ bảo chỉ biết là nghề của ông bà truyền lại. Trẻ con nơi đây 9-10 tuổi đã tập làm quen với nan tre và độ khoảng 13-14 tuổi là bắt đầu phụ giúp gia đình đan thúng.


Đan thúng ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò

Giai đoạn phát triển

Ông Trần Văn Đủ (Tư Đủ), năm nay 69 tuổi ở xóm thúng Ngã Cũ cho biết, gia đình ông có 4 thế hệ làm nghề đan thúng. Ngày xưa, ông nội làm nghề đan thúng truyền lại cho cha ông, ông Tư Đủ học nghề của cha và truyền lại cho các con của mình. Nghề đan dù không mang lại sự giàu có, nhưng cũng đem đến cho gia đình ông cuộc sống no ấm. Ông Tư Đủ cho hay, thập niên những năm 80-90 của thế kỷ 20 là giai đoạn phát triển của nghề đan thúng ở Vĩnh Thạnh. Thời đó, ở Ngã Cũ nhà nhà đan thúng”. Dưới bến sông, ghe tàu chở nguyên liệu tre, trúc miệt Cà Mau, Kiên Giang đến giao cho những người đan thúng và nhận thúng từ nơi đây giao cho các địa phương khác rất tấp nập. Buổi tối dù không có điện nhưng nhà nhà thắp đèn dầu đan thúng đến 10-11 giờ. “Tôi nhớ khoảng những năm 85-90, thúng bán rất có giá, cứ 100 cái thúng bán ra là nhà tôi lại mua được 1 chỉ vàng. Gia đình tôi, vợ chồng con cái 7 người đan mỗi ngày được tổng cộng 20 thúng nhưng làm ra không đủ bán. Làm thấy mê lắm. Nếu lấy thúng đổi lúa thì 1 cái thúng dê đổi 1 thúng lúa, còn 1 cái thúng giạ đổi 2 thúng lúa. Nhà làm 3 công ruộng nhưng không bằng nhà đan thúng”, ông Tư Đủ kể.

Đan thúng đối với nhiều người là đơn giản nhưng qua tìm hiểu kỹ mới biết nghề này rất công phu, phải mất đến 11 khâu thực hiện bằng thủ công mới cho ra 1 cái thúng hoàn chỉnh. Từ cây trúc, hay tre lúc ban đầu, người ta sẽ tiến hành công đoạn làm mê bằng cách cắt nan, tách nan, rồi cạo lớp da xanh của cây, chẻ nan, kéo nan, gầy, đan, đát. Đến khâu làm vành, phải chẻ và vót tre, bo vành, lận cho tròn, vanh cho đều, vô vành và cuối cùng đến khâu nứt để hoàn thành 1 cái thúng. Để làm thúng cho đẹp, yếu tố quan trọng là người làm có kỹ thuật và phải kỹ tính. Nan đan thúng phải được vót nhuyễn, muốn thúng đan đẹp phải vót nan lá hẹ và người đan thúng phải vận dụng nhiều cách đan như: đan long thúng, đan long ba, đan bỏ góc ( để lận thúng được tròn đẹp)...

Nghề truyền thống có nguy cơ mai một

Tạo được nhiều công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương nhưng hiện nay nghề đan thúng ở Vĩnh Thạnh đang đứng trước nguy cơ mai một.

Những năm đầu thế kỷ 21 đến nay những cái rổ, cái thúng và dụng cụ sinh hoạt bằng nhựa bắt đầu xuất hiện đã thay thế dần những vật dụng làm bằng tre. Bên cạnh đó, từ khi những chiếc máy gặt đập liên hợp hiện đại và những chiếc máng xúc lúa bằng nhôm, bằng inox xuất hiện thì những chiếc thúng bằng tre dần bị thu hẹp thị trường. Người làm thúng đã từng bước chuyển nghề. Theo tính toán của gia đình ông Tư Đủ, ở Vĩnh Thạnh có hơn 100 nhà theo nghề đan thúng thì hiện nay chỉ khoảng vài chục hộ theo nghề và các hộ đan thúng ở địa phương chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập. Vừa làm nghề đan thúng vừa chở thúng đi tiêu thụ ở các nơi, anh Trần Thanh Phong con trai lớn của ông Tư Đủ nói: “ Một cái thúng dê hiện nay bán được từ 32 - 33 ngàn đồng, trung bình lãi 3.000 - 5.000 đồng/cái. Lao động bình thường làm được mỗi ngày 2 cái thúng, nếu làm giỏi được 4 cái thúng. Như vậy làm thúng giỏi mỗi ngày chỉ được 20.000 đồng”. Anh Phong cũng cho hay, hiện thị trường thu hẹp so với trước rất nhiều, từ năm 2009 trở về trước, anh đi bỏ mối thúng các chợ trung bình mỗi năm khoảng 6.000 cái thúng, năm rồi anh Phong bán chưa đầy 4.000 cái.

Thu nhập thấp, thị trường thu hẹp, nhiều người tính chuyện bỏ nghề là thực tế đang diễn ra ở xóm thúng xã Vĩnh Thạnh. Nếu không có biện pháp hỗ trợ thì nguy cơ mai một về nghề truyền thống là điều khó tránh khỏi.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn