Nghề làm khô cá lóc tạo thu nhập ổn định

Cập nhật ngày: 21/09/2012 08:31:06

Nhờ đầu ra ổn định, nghề làm khô cá lóc ở huyện Tam Nông đang ăn nên làm ra, tạo thu nhập cho người dân địa phương.

Chúng tôi về xã Phú Thọ, huyện Tam Nông vào những ngày giữa tháng 9, thời điểm nghề làm khô cá lóc nhộn nhịp nhất trong năm. Hình ảnh dễ bắt gặp nhất là người dân đang khẩn trương phơi khô cá lóc để có hàng đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh.


Phơi khô cá lóc giúp nhiều người dân có thu nhập ổn định

Ghé thăm hộ chị Nguyễn Ngọc Xê, một gia đình gắn bó với nghề này hơn 7 năm đã vươn lên thoát nghèo trở nên khá giả. Chị Xê cho biết: Trước kia gia đình gặp rất nhiều khó khăn, đất canh tác ít mà nghề nghiệp cũng không có. Để sinh sống, vợ chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi nhưng vẫn không khá nổi. Nhờ mượn vốn của bà con xung quanh, chị mạnh dạn làm khô cá lóc, chỉ vài năm sau đã thu nhập ổn định. Hiện tại, sản phẩm khô của gia đình chị được Hợp tác xã thương mại, dịch vụ chợ Tràm Chim đặt hàng, nên thu nhập được ổn định.

Chị Xê cho biết thêm, việc chế biến khô cá lóc rất công phu, từ khâu làm cá, muối, rửa để không còn mùi tanh rồi làm lạnh, xả đông và quan trọng nhất là khâu ướp gia vị để có được vị thơm đặc trưng của khô cá lóc. Ngon hay không là do công đoạn ướp gia vị. Thường thì 4kg cá lóc tươi sẽ làm ra 1kg cá lóc khô và phải phơi trong 4 nắng mới xuất bán được.

Cách nhà chị Xê không xa, gia đình bà Lâm Thị Lệ Hoa cũng có thu nhập khá nhờ nghề làm khô cá lóc. Trước kia, bà làm nghề bán cá nên thu nhập rất bấp bênh. Thấy nhiều gia đình ở xóm làm khô khá lên, từ đó bà quyết định theo nghề này. Bà Hoa phấn khởi cho biết, mỗi ngày gia đình bà bán được vài chục kí khô, với giá dao động từ 190 - 200 ngàn đồng/kg, trừ chi phí cũng kiếm được từ 50 - 70 ngàn đồng/ngày. Mặc dù nghề làm khô cá lóc phải chịu khó phơi nắng, nhưng nếu đầu ra sản phẩm ổn định như bây giờ thì người dân có thể gắn bó với nghề.

Theo ông Phan Văn Nỹ - Phó chủ nhiệm Hợp tác xã thương mại, dịch vụ chợ Tràm Chim, lúc trước chỉ vài 3 hộ làm khô cá lóc, khô làm ra chủ yếu bán quanh huyện. Tuy nhiên, nhờ việc đăng ký thương hiệu và quảng bá sản phẩm khô cá lóc Tràm Chim tại các siêu thị Đồng Tháp, Coopmart (thành phố Hồ Chí Minh) mà hiện nay sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng. Dự định của Hợp tác xã trong thời gian tới sẽ liên kết thêm nhiều địa chỉ tiêu thụ sản phẩm, để thương hiệu khô cá lóc Tràm Chim ngày càng vươn xa, giúp người dân khá lên từ nghề làm khô cá lóc...

Nghề làm khô cá lóc đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực tại huyện Tam Nông, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Đây có thể xem là nghề xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Ông Đỗ Minh Hoàng - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Tam Nông cho biết: “Để nghề làm khô cá lóc Tam Nông phát triển ổn định, giúp người dân có việc làm thường xuyên, từng bước thoát nghèo, thời gian tới, huyện sẽ hoàn thành các bước đăng ký thương hiệu khô cá lóc Tràm Chim nhằm có những biện pháp đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất và xây dựng một nhà máy sấy khô, bảo đảm chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn