Người dân đồng hành cùng hàng Việt
Cập nhật ngày: 16/06/2014 04:58:47
Tháp Mười là huyện đi đầu trong Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam qua những mô hình thiết thực. Qua 5 năm, Cuộc vận động này ngày càng lan tỏa, tạo sự tin yêu hàng nội...
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam huyện (gọi tắt là Cuộc vận động), thành công của Cuộc vận động là sự đồng hành của cán bộ, công chức và đặc biệt là người dân địa phương, doanh nghiệp. Theo thống kê, thời gian đầu, lượng hàng hóa do Việt Nam sản xuất tiêu thụ trên địa bàn huyện chỉ đạt từ 25-30%, nhưng hiện nay tỉ lệ người dân địa phương sử dụng hàng nội chiếm hơn 90%.
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền suông, tại các địa phương của huyện đã xuất hiện nhiều mô hình như câu lạc bộ (CLB), Tổ tiểu thương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các mô hình hướng tới tuyên truyền sâu rộng đến chị em phụ nữ, vì đây là đối tượng tiêu thụ sản phẩm tiêu dùng với số lượng lớn. Từ lực lượng này, đã làm cho phong trào dùng hàng Việt được lan tỏa sâu rộng. Hiện nay, huyện có 5 CLB và 13 tổ tiểu thương sử dụng, mua bán hàng nội.
Cô Nguyễn Thị Non - Chủ nhiệm CLB Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thị trấn Mỹ An cho hay: “Trong những đợt sinh hoạt CLB, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền đến các hội viên về việc ưu tiên chọn lựa, sử dụng hàng hóa chất lượng của Việt Nam. Qua tuyên truyền, chị em hội viên nhận thức sâu hơn, nhiều hơn về hàng Việt. Để người tiêu dùng bén duyên với hàng nội, họ cần có sự so sánh với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Từ đó, họ nhận ra hàng hóa trong nước đảm bảo về mẫu mã, giá thành rẻ, chất lượng, an toàn cho sức khỏe. Chính những yếu tố này đã giúp cho người dân ngày càng tin yêu hàng Việt Nam”.
Hội viên của các CLB đủ các đối tượng, trong đó tiểu thương trên địa bàn chiếm một phần khá lớn. Qua các buổi sinh hoạt tại CLB, các tiểu thương tuyên truyền đến những khách hàng của mình về sự ưu việt của hàng nội. Với sự trải nghiệm của bản thân, góp phần làm cho cuộc vận động hiệu quả hơn.
Cô Nguyễn Thị Kim Khuê, thị trấn Mỹ An cho biết: “Tôi tham gia vào CLB Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được vài tháng. Bản thân cũng được cung cấp nhiều thông tin hữu ích về hàng Việt Nam chất lượng cao. Từ đó, tôi khuyến cáo và bán các sản phẩm hàng Việt cho khách hàng. Qua thời gian, bà con không còn đắn đo nữa mà đã tự tìm mua sản phẩm trong nước sử dụng”.
Thông qua 9 hội chợ thương mại, 15 phiên chợ hàng Việt về nông thôn với 720 gian hàng tham gia của 400 doanh nghiệp, thu hút trên 70.000 người đến tham gia mua sắm đã tạo điều kiện cho người dân bắt nhịp với việc dùng hàng nội.
Để Cuộc vận động tại địa phương đạt kết quả tốt hơn, huyện tiếp tục xác định khâu tuyên truyền là một trong những vấn đề cốt lõi. Ông Mai Hữu Công, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tháp Mười, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam huyện chia sẻ: “Cuộc vận động này mang tính chất lâu dài, vì thế chúng tôi xác định khâu tuyên truyền lâu dài, xuyên suốt là một trong những điều kiện quan trọng giúp cho cuộc vận động thành công. Đồng thời, huyện tiến tới việc nhân rộng mô hình CLB, tổ tiểu thương phủ khắp các chợ trong huyện. Song song đó, tăng cường thu hút doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức đưa sản phẩm hàng nội vào các xã vùng sâu...”
K.D