Trồng hoa lan cắt cành - Hướng đi triển vọng cho nền nông nghiệp đô thị

Cập nhật ngày: 11/06/2014 13:22:01

Với mức lãi bình quân gấp 10 lần trồng lúa, nghề trồng hoa lan cắt cành đang trở thành xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp đô thị. Đây không chỉ là ngành nghề có sức hấp dẫn đối với nông dân mà nó còn là tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp.


Phát triển hoa lan cắt cành đang là xu hướng mới trong phát triển
nông nghiệp đô thị

Thu nhập ổn định từ nghề trồng lan cắt cành

Trước nhịp độ đô thị hóa ngày càng phát triển, diện tích đất nông nghiệp đang thu hẹp dần, việc lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển kinh tế luôn là vấn đề trăn trở của nhiều nông dân. Xuất phát từ thực tế đó, nông dân đã tìm kiếm nhiều loại hình phát triển kinh tế phù hợp, trong đó mô hình trồng hoa lan cắt cành, được đánh giá cao.

Những năm gần đây, mô hình trồng hoa lan phát triển mạnh ở nhiều địa phương và bước đầu nhận thấy, mô hình đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều nông hộ vươn lên khá giàu. Là một trong số ít người đi đầu trong phong trào phát triển trồng hoa lan ở TP. Cao Lãnh, ông Văn Phú Kinh ngụ ấp 2, xã Mỹ Tân, TP. Cao Lãnh, từ năm 2008, nhận thấy vườn cây ăn quả không đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, nên mạnh dạn đốn bỏ gần 3.000m2 xoài đang tuổi thu hoạch chuyển sang trồng hoa lan. Nhờ kinh nghiệm trồng lan sẵn có và với tinh thần chịu khó học hỏi, ông Kinh từng bước biến giấc mộng làm giàu bằng hoa lan trở thành sự thật. Hiện tại, vườn lan với hơn 3.000m2, mỗi năm doanh thu của ông Kinh khoảng 300 triệu đồng.

Ông Phú Kinh tâm sự: “Thời gian tới, nếu có vốn tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vì lan là loại cây trồng mang lại thu nhập cao mà khó có cây trồng nào sánh kịp. Tôi nhận thấy nhu cầu của thị trường còn rất lớn, nên rất yên tâm với đầu ra của hoa lan cắt cành”.

Nhiều nhà vườn ước tính, 1ha trồng hoa lan cắt cành mỗi năm có thể thu nhập trên 1 tỷ đồng. Lan cắt cành được trồng nhiều thuộc các nhóm: Dendrobium và Mokara (giống chủ yếu nhập từ Thái Lan), Catleya, Phalaenopsis (nhập từ Đài Loan).

Bên cạnh những mặt thuận lợi thì nghề trồng hoa lan vẫn còn gặp nhiều khó khăn. So với nhiều quốc gia có truyền thống xuất khẩu hoa lan như: Thái Lan, Đài Loan... thì kỹ thuật trồng hoa lan của chúng ta vẫn còn non trẻ. Hiện tại, nhà vườn vẫn còn bị động trong khâu sản xuất giống, phần lớn lan giống mà nhà vườn đang sử dụng chủ yếu được nhập từ Thái Lan và hơn 70% hoa cắt cành trong nước cũng được nhập khẩu từ thị trường này.

Triển vọng trong liên kết sản xuất

Với mong muốn giúp cho nông dân tiến đến nền sản xuất bền vững, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến Ngư tỉnh tiến hành xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ trong sản xuất hoa lan cắt cành cho hai nhà vườn ở TP. Cao Lãnh. Theo đó, mỗi hộ sẽ được Trung tâm hỗ trợ 60% chi phí mua lan giống và bà con sẽ được công ty TNHH Hoa Lan Ngọc Tú bao tiêu đầu ra khi hoa lan đến tuổi thu hoạch.


Công ty TNHH Hoa Lan Ngọc Tú bao tiêu lan giống là liên kết
tiêu thụ hoa lan cắt cành cho nhà vườn

Ông Võ Ngọc Nghiệp, chủ vườn lan ở xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Nếu sản xuất hoa lan với qui mô nhỏ lẻ thì thị trường nội địa có thể tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, nếu mở rộng diện tích trồng, nhà vườn cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn và thị trường tiêu thụ ổn định. Vì vậy, liên kết với Công ty TNHH Hoa Lan Ngọc Tú trong việc cung ứng giống và bao tiêu đầu ra là giải pháp mà tôi lựa chọn để tiếp tục phát triển vườn lan của mình”.

Công ty TNHH Hoa Lan Ngọc Tú sớm khẳng định được thương hiệu và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ hoa lan cắt cành. Hiện tại, Công ty có mạng lưới tiêu thụ hoa lan cắt cành rộng khắp từ Bắc đến Nam và theo đánh giá của Công ty thì nhu cầu của thị trường trong tiêu thụ hoa lan cắt cành còn rất lớn. Với mạng lưới khách hàng hiện có thì khả năng của Công ty chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Vì vậy, Công ty cần có sự liên kết cùng với nông dân trong việc mở rộng vùng sản xuất hoa lan cắt cành.

Chị Hồ Thị Ngọc Giao, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Lan Ngọc Tú cho biết: “Hiện tại, song song với việc mở rộng quy mô sản xuất, Công ty cũng đang thực hiện mô hình liên kết sản xuất cùng nông dân nhằm tạo ra vùng hoa lan cắt cành đủ lớn để cung cấp cho thị trường. Tôi nghĩ đây sẽ là mối liên kết bền vững vì nó đảm bảo lợi ích hài hòa từ hai phía nông dân và cả doanh nghiệp”.

Hiện tại, Công ty TNHH Hoa lan Ngọc Tú đã liên kết với một số nông dân mở rộng vùng hoa lan cắt cành ở một số địa phương như: TP. Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, TP. Sa Đéc. Ngoài ra, nhờ cơ sở vật chất, kỹ thuật nuôi cấy mô tiên tiến được chuyển giao từ Hà Lan, nên trong thời gian tới, Công ty Hoa Lan Ngọc Tú sẽ chủ động nguồn giống tốt, không lệ thuộc vào nguồn giống nhập nước ngoài như trước.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn