Nhãn Châu Thành khôi phục mạnh sau dịch bệnh chổi rồng
Cập nhật ngày: 13/12/2013 06:25:07
Những năm gần đây, dịch bệnh chổi rồng xuất hiện và gây hại tại hầu hết các vườn nhãn trên địa bàn huyện Châu Thành làm cho năng suất nhãn bị sụt giảm nghiêm trọng. Để khôi phục năng suất, sản lượng và giữ vững các diện tích trồng nhãn trên địa bàn, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm khống chế bệnh chổi rồng.
Nhãn Châu Thành khôi phục sau dịch bệnh chổi rồng
Hiện toàn huyện Châu Thành có hơn 3.700ha diện tích trồng nhãn. Phần lớn diện tích nhãn tại Châu Thành chủ yếu là nhãn tiêu da bò, được trồng rải rác tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó tập trung nhiều ở 2 xã An Nhơn và Tân Nhuận Đông. Qua rà soát, thống kê, trong năm 2012, với tổng diện tích hơn 3.700ha nhãn đã có hơn 70% bị nhiễm bệnh chổi rồng, gây ảnh hưởng đến hơn 12 ngàn hộ trồng nhãn và làm giảm gần 50 ngàn tấn nhãn so với thời điểm chưa có dịch bệnh.
Trong những năm qua, nhằm hạn chế việc lây lan, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành triển khai nhiều giải pháp để quản lý dịch bệnh, chủ yếu là áp dụng các biện pháp cắt tỉa, tiêu hủy cành bệnh, phun thuốc trừ nhện khi nhãn ra đọt non, kết hợp phân bón lá, bón gốc đủ lượng giúp cây khỏe mạnh hơn; khảo nghiệm một số loại thuốc sinh học phòng trừ nhằm phổ biến sâu rộng trong nhà vườn; hướng dẫn thực tế các giải pháp cụ thể để nhà vườn áp dụng các biện pháp phòng trị kịp thời.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đặc biệt chú ý đến công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành chức năng và người dân về mối nguy hại từ bệnh chổi rồng trên cây nhãn để mọi người hiểu, biết cách phòng, chống bệnh và cùng nhau tham gia thực hiện. Đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện đúng cách chăm sóc, quản lý dinh dưỡng hợp lý, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt, tăng cường sức chống chịu, từ đó hạn chế sự phát triển, lây lan và tái nhiễm của bệnh, bảo vệ năng suất, sản lượng nhãn...
Song song đó, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện đã thực hiện 2 đợt dập dịch và hỗ trợ cho các nông dân có nhãn bị thiệt hại do bệnh chổi rồng với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng, diện tích hỗ trợ là hơn 3.300ha. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích nhãn đã được phục hồi hơn 2.500ha, chiếm 80% diện tích toàn huyện.
Ông Phạm Văn Nho ngụ ấp An Hòa, xã An Nhơn canh tác hơn 4.000m2 diện tích trồng nhãn cho biết: “Nhãn của tôi được 5 năm tuổi, các năm trước thu nhập từ vườn nhãn nhà tôi rất tốt, nhưng 3 năm trở lại đây, vườn nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng ngày càng nặng, nhiều cây nhãn hầu như không còn cho trái. Dù thực hiện các biện pháp phòng trị nhưng có lẽ làm chưa đúng quy trình và sử dụng chưa đúng thuốc nên hiệu quả hạn chế. Nay được Nhà nước cấp phát thuốc và hướng dẫn quy trình phòng bệnh cho nhãn tôi rất phấn khởi, tôi tin rằng nếu mọi nhà vườn trồng nhãn cùng tham gia thực hiện sẽ khống chế được dịch bệnh. Dự kiến đợt thu hoạch này sản lượng nhãn của gia đình tôi sẽ đạt khoảng 15 tấn/ha, mỗi công nhãn có thể thu nhập trên 15 triệu đồng”.
Tương tự, ông Phạm Văn Nho, ông Phạm Văn Hiền ngụ ấp An Hòa, xã An Nhơn cho biết: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh chổi rồng, tôi đã cắt tỉa, tiêu hủy cành nhãn bị bệnh và tiến hành phun 3 lần thuốc trừ nhện lông nhung, thấy nhãn ra đọt mới ít bị nhiễm bệnh. Hiện tôi cũng đã nhận được thuốc cho 4 lần phun tiếp theo. Tin rằng, việc ra quân phòng, chống bệnh chổi rồng theo hướng cộng đồng và đồng loạt như vậy sẽ mang lại kết quả tốt”.
Theo ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, để hạn chế dịch bệnh lây lan, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên theo dõi, điều tra diễn biến của bệnh để có những ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức cụ thể như tập huấn, hội thảo, nhân rộng mô hình hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu các biện pháp quản lý cộng đồng mang tính an toàn và bền vững hơn, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích tái nhiễm.
Nhật Khánh