Nhận diện thị trường nông sản thế giới để có hướng đi phù hợp

Cập nhật ngày: 24/01/2018 10:28:30

ĐTO - “Sau năm 2018, các hiệp định song phương và đa phương của Việt Nam gia nhập vào các tổ chức quốc tế chính thức có hiệu lực, nhất là các hiệp ước AEC (ATIGA), TPP và sắp đến là RCEP. Đây là cơ hội lớn để nông sản Việt Nam có thể gia nhập vào thị trường thế giới, song bên cạnh cơ hội, nông sản Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức lớn, nếu chúng ta không có hướng đi phù hợp thì không khéo nông sản sẽ thua ngay trên sân nhà”. Đó là nhận định của Giáo sư (GS) Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ về xu hướng thị trường nông sản hiện nay.


Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ về xu hướng thị trường nông sản thế giới và đặc điểm của người tiêu dùng hiện nay

Vì sao nông sản vẫn ì ạch

GS.Võ Tòng Xuân cho rằng, nông sản Việt Nam rất phong phú nhưng nông dân chúng ta còn rất cực nhọc, sản xuất và lợi nhuận vẫn còn thấp so với các lao động khác, đặc biệt là cây lúa. Những năm gần đây, giá lúa có nhích hơn nhưng vẫn còn thấp so với gạo xuất khẩu của các nước lân cận. Thậm chí người tiêu dùng Việt Nam hiện nay rất lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chất lượng của lương thực và thực phẩm khi mua ở các chợ.

Theo GS.Võ Tòng Xuân, có 3 nguyên nhân khiến giá lúa Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực đó là: Sản xuất khối lượng lớn với giá thành cao, nhưng chất lượng kém, không đảm bảo ATVSTP (vì đất manh mún; kỹ thuật tụt hậu, lạm dụng hóa chất nông nghiệp, nhất là quá nhiều phân đạm kèm với thuốc trừ sâu bệnh, ít dùng phân hữu cơ); môi trường kinh doanh manh mún, không tập hợp được liên minh sản xuất theo chuỗi giá trị, nguyên liệu không rõ nguồn gốc. GS.Võ Tòng Xuân chỉ rõ, nông dân chúng ta có nhiều kinh nghiệm sản xuất nhưng kỹ thuật sản xuất còn tụt hậu, nhất là việc lạm dụng hóa chất trong một thời gian dài khiến đất bị cằn cỗi. Từ đó, chúng ta lại tiếp tục sử dụng phân thuốc nhiều hơn để cải tạo đất dẫn đến ATVSTP không đảm bảo.

Toàn cầu hóa đang hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã ký kết các hiệp định với các nước trên thế giới, trong khi đó xu hướng của thế giới hiện nay là tiến tới nền kinh tế xanh, sản xuất theo hướng hữu cơ. Do đó, chúng ta phải nghiên cứu sản xuất theo công nghệ xanh để thích ứng với xu hướng các nước trên thế giới. Cũng theo GS.Võ Tòng Xuân, một vấn đề nữa chúng ta cần quan tâm hiện nay là thách thức về các xu hướng thay đổi của thế giới về khu vực năng lượng; đô thị hóa; thay đổi tập quán ăn uống; thay đổi phương thức mua bán; chuyển hóa thị trường lương thực, thực phẩm; thay đổi hệ thống sản xuất lương thực; biến đổi khí hậu, tài nguyên nước bị giới hạn... Những thay đổi này nếu chúng ta không nhận diện ngay sẽ không bắt kịp với xu hướng thế giới.

Nhận diện những thay đổi để có hướng đi phù hợp

Phần lớn vật tư nông nghiệp và năng lượng hiện nay là từ hóa thạch. Cần tăng cao hiệu quả sử dụng, vì nếu không thì chúng ta sẽ tiếp tục ăn mòn năng lượng mà chúng ta đang cần. Kế đó là trong tương lai, chúng ta sẽ sử dụng nhiều nhiên liệu sinh học, phân bón hữu cơ và phân vi sinh, do đó hiện nay trên thế giới giá lương thực đã tăng hơn gấp nhiều lần so với trước. Ví dụ đối với nước Mỹ, trước đây bắp chỉ có giá 85 USD/tấn nhưng từ khi họ bắt đầu dùng bắp để sản xuất ra ethanol pha xăng để có năng lượng sạch, thì nhiên liệu sinh học đánh đổi lương thực làm cho bắp tăng lên 250 USD/tấn. Và thời gian tới đây, khuynh hướng đó sẽ tiến tới Việt Nam chúng ta. Vậy có thể đánh đổi an toàn lương thực với nhiên liệu chăng? Tuy nhiên, chúng ta có những phương pháp khác đưa tới nhiên liệu sinh học không cần lấy lương thực.

Về thay đổi tập quán bữa ăn, hiện nay xu hướng người tiêu dùng là ăn ít cơm hơn so với trước đây. Ví dụ đối với Nhật Bản, vào khoảng năm 1985, mỗi người dân Nhật Bản ăn 130kg gạo/năm, nhưng hiện nay mỗi người Nhật chỉ ăn khoảng 45kg gạo/năm, thay vào đó họ tăng cường dùng thịt, cá, rau quả và các loại thức ăn đã chế biến sẵn. Không chỉ tập quán ăn uống thay đổi mà phương thức mua bán cũng thay đổi theo hướng hiện đại, mua bán lẻ và qua hệ thống siêu thị ngày càng phổ biến hơn, Việt Nam là nước “sanh sau đẻ muộn” nhưng hiện nay hệ thống này cũng phát triển rất nhanh, do độ tin cậy về sản phẩm an toàn, chất lượng của người tiêu dùng đối với hệ thống này cao hơn so với chợ truyền thống.

Do xu hướng của người tiêu dùng thay đổi nên hiện nay hệ thống sản xuất nông nghiệp cũng thay đổi so với trước, hiện sản xuất chú trọng đến tính hiện đại, an toàn, đặc biệt là sản xuất theo hướng hữu cơ. Đây là khuynh hướng mà chúng ta đang thực hiện, tuy nhiên muốn thực hiện thành công với quy mô, chất lượng đảm bảo thì không thể tự thực hiện được mà phải có sự liên kết theo hình thức chuỗi sản xuất từ doanh nghiệp xuất khẩu - nhà nước - hợp tác (nông dân) xã để cùng sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn và đủ tiêu chuẩn để cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Muốn làm được điều này, mỗi cá nhân phải thấy rằng, nông sản Việt Nam đã gia nhập vào thời kỳ cạnh tranh khốc liệt với các nước trong khu vực và quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải có một bước đi phù hợp cho từng loại nông sản của địa phương mình. Trong đó, các bước đi cụ thể đó là: Tập huấn và tập huấn lại để nâng cao trình độ cho nông dân, cán bộ nông nghiệp, trên cơ sở trình diễn các hội thảo đầu bờ sẽ nâng cao được trình độ sản xuất cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp, nông dân, hợp tác xã; liên kết người dân lại với nhau để cùng mua chung vật tư, cùng thực hiện các dịch vụ sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm. Muốn làm được những điều này, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, Nhà nước phải có chính sách tín dụng tốt để hỗ trợ nông dân. Đồng thời, Nhà nước phải tổ chức những mô hình nông nghiệp đưa vật tư nông nghiệp đến người nông dân, kết hợp với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất để nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp giảm tối đa giá thành sản xuất...

Thảo Vy (lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn