Huyện Lai Vung
Nhiều loại thủy sản chưa tìm được đầu ra
Cập nhật ngày: 11/09/2021 06:44:30
ĐTO - Thời điểm hiện tại, nhiều hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Lai Vung đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ trong khi cá đến kỳ thu hoạch. Bên cạnh đó, người nuôi cá còn đối diện với giá thức ăn liên tục tăng cao, giá bán thủy sản lại dưới giá thành sản xuất. Trước tình hình này, nhiều nông dân chọn giải pháp nuôi cầm chừng để chờ các kênh tiêu thụ.
Người nuôi cá tra tại huyện Lai Vung gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Lai Vung, trong tháng 9, toàn huyện có hơn 3.300 tấn thủy sản đến kỳ thu hoạch cần được tiêu thụ. Trong đó, nhiều nhất là cá tra với khoảng 2.800 tấn còn lại là cá lóc, cá rô, cá thác lác...
Theo ông Nguyễn Đắc Thắng ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên doanh nghiệp, thương lái hạn chế đến thu mua cá. Do chưa có kênh tiêu thụ nên ông Thắng phải tiếp tục nuôi cầm chừng tránh cá bị sụt cân, mất sản lượng.
Ông Thắng chia sẻ: “Khi tôi liên hệ với các mối lái, doanh nghiệp thu mua trước đó, họ trả lời là đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân công thu hoạch, vận chuyển thủy sản đi tiêu thụ bị hạn chế đã tác động đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ cá tra. Các hộ nuôi cá tra mong muốn được hỗ trợ từ phía các ngành, các cấp để tiêu thụ được hết số cá trên ao”.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Thật ngụ ấp Định Tân, xã Định Hòa cho biết: “Do ảnh hưởng dịch Covid -19, vài tháng nay, ao cá rô khoảng 3.000m2 của gia đình còn khoảng 10 tấn cá quá lứa thu hoạch chưa xuất bán. Hiện tại, gia đình tôi khá trăn trở vì giá thức ăn và các chi phí đầu vào tăng quá cao, trong khi cá càng lớn càng rớt giá”.
Ông Huỳnh Minh Trí - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết, trước những khó khăn của các nông dân nuôi thủy sản, ngành nông nghiệp huyện phối hợp cùng với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kết nối với doanh nghiệp hoạt động theo “4 tại chỗ” là Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Cỏ May nhằm tiêu thụ đầu ra cho mặt hàng cá tra. Đối với những sản phẩm thủy sản khác, huyện khuyến cáo người nuôi chủ động liên hệ với các đầu mối, doanh nghiệp thu mua truyền thống để kết nối, tìm kiếm đầu ra. Trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nếu người nuôi liên hệ được với các đầu mối thu mua, huyện sẽ hỗ trợ thủ tục đi lại vận chuyển, thu hoạch vừa đảm bảo tiêu thụ nông, thủy sản cho bà con vừa an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
TRANG HUỲNH