Nhiều nông dân bất an khi sản xuất vụ lúa thu đông

Cập nhật ngày: 13/07/2016 13:30:49

ĐTO - Vụ lúa hè thu năm nay, ở huyện Hồng Ngự (chủ yếu là xã Thường Thới Tiền) có hàng chục hecta lúa non chết, khiến nông dân lao đao. Nhiều nông dân lo lắng, sợ tình trạng lúa chết tiếp tục tái diễn ở vụ thu đông.


Nhiều diện tích lúa còn sót lại đang mang bông nhưng thân chết khô, đổ ngã (ảnh chụp ngày 23/6/2016)

Càng gỡ càng thua

Đầu vụ hè thu, xã Thường Thới Tiền có khoảng hơn 30ha lúa non mới sạ vài ngày bị chết. Nông dân làm đất, sạ lại 2,3 lần; mua mạ, thuê nhân công dậm vá; chi mạnh vật tư nông nghiệp... với hy vọng cứu lúa để gỡ vốn đầu tư. Nhưng thực tế, càng đeo theo thì càng lỗ vì chi phí đội lên trong khi năng suất và chất lượng lúa thấp. Bên cạnh nhiều diện tích ruộng bỏ hoang, số ít lúa mà nông dân cố cứu thì cũng thất mùa; hạt bị lép, đen. Dù còn đang mang bông nhưng thân cây lúa chết khô kiến dễ đổ ngã, làm giảm năng suất.

Anh Nguyễn Văn Phú (SN 1987) ở ấp Thượng 1, xã Thường Thới Tiền cầm nắm lúa chết khô trong tay, xót xa nói: Tôi có 24 công ruộng, phải sạ lại 2 lần nhưng bị thiệt hại 22 công. Tôi cố gắng dưỡng 2 công lúa còn lại để kiếm gạo ăn. Tổng chi phí lúa giống, vật tư nông nghiệp... 24 triệu đồng để đổi lại là 2 công lúa èo uột. Năng suất chỉ trên dưới 10 giạ/công, lại không sáng đẹp, nếu bán cũng không ai mua.

Với suy nghĩ “còn nước còn tát”, ông Nguyễn Văn Quyết ở ấp Thượng 1 cũng nỗ lực dùng mọi cách để cứu 3ha lúa. Đến nay, ông tốn gần 40 triệu đồng nhưng chỉ dưỡng được khoảng 1,5ha trong tình trạng lúa bị cháy lá, năng suất và chất lượng thấp. Ông Quyết cho biết: “Lúa chết khi còn non nếu tôi bỏ lúc đó thì có lẽ chỉ lỗ khoảng 10 triệu đồng chi phí ban đầu, bây giờ thì lỗ nặng”.

“Tôi định đi Bình Dương làm thuê vì vụ này lúa thiệt hại, tôi lâm nợ rồi” - anh Lê Văn Tình ngụ ấp Thượng 1 cho hay. Kinh tế gia đình khó khăn, anh Tình thuê 2ha ruộng với giá 2,7 triệu đồng/công/3 vụ. Dùng mọi cách, anh chỉ “dưỡng” được khoảng 1ha lúa với năng suất giảm 50% so với bình thường nhưng phải tốn chi phí hơn 26 triệu đồng (chưa kể tiền thuê đất). Không chỉ anh Phú, anh Tình, ông Quyết mà ông Lý Văn Đàng, Võ Văn Hoàng, Bùi Hữu Nghĩa... cùng ở ấp Thượng 1 cũng chịu tình cảnh tương tự.


Nông dân cho rằng nước thải ao nuôi cá thải vào cống và thoát ra kênh Út Gốc

Lo sợ lúa tiếp tục thiệt hại ở vụ thu đông

Nguyên nhân lúa chết đã được nhà khoa học xác định chủ yếu do ngộ độc hữu cơ. Nhưng dường như lý do này chưa thuyết phục được nông dân. Nhiều người khẳng định nguyên nhân chính là do nước thải từ các ao nuôi cá lóc lân cận thải ra kênh Út Gốc, nước này được lấy tưới lúa. Bà con đang trong tình cảnh “đứng ngồi không yên” vì không lâu nữa sẽ xuống giống vụ thu đông.

Ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết: Huyện sẽ giải quyết tình trạng xả nước thải từ ao nuôi cá lóc ra môi trường; xây dựng hệ thống tưới tiêu đảm bảo phục vụ cho bà con sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp xây dựng hệ thống tưới tiêu đòi hỏi phải có kinh phí và thời gian. Vụ lúa thu đông sắp tới có thể sẽ không bị ảnh hưởng, thiệt hại như vụ hè thu vì thời tiết mưa nhiều, đất ruộng sẽ được rửa, hạn chế ngộ độc hữu cơ...

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Văn Mẫn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự thông tin: Vụ lúa thu đông tới, nếu nông dân sản xuất đúng lịch thời vụ, đảm bảo thời gian cách ly và thời tiết mưa nhiều... thì lúa không bị ngộ độc hữu cơ, sẽ không thiệt hại. Chính quyền địa phương cũng có hạn chế là chưa giải quyết được tình trạng người nuôi cá xả thải ra kênh Út Gốc. Lúa chết có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có việc nông dân xuống giống không đúng lịch thời vụ nên không lấy được nước sông mà chủ yếu bơm “nguyên xi” nguồn nước thải từ ao nuôi cá tưới cho lúa.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa thu đông, nhiều nông dân lo lắng vì sợ sẽ bị thiệt hại như vụ hè thu. Bà con rất mong chính quyền địa phương, ngành chức năng có giải pháp sớm triển khai thực hiện để nông dân an tâm sản xuất vụ sau và những vụ tiếp theo.

HÒA HIỆP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn