Những “thuyền trưởng” tài ba đưa “con tàu” hợp tác xã vươn khơi

Cập nhật ngày: 07/02/2021 06:14:08

ĐTO - Cuộc cách mạng “nông nghiệp 4.0” không còn xa lạ khi ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Với sự chủ động tiếp thu, học hỏi, ứng dụng kiến thức, kinh nghiệm linh hoạt, nhiều giám đốc hợp tác xã của Đồng Tháp đã mạnh dạn thay đổi, từng bước dìu dắt thành viên tiếp cận với sản xuất nông nghiệp thông minh, canh tác tự động hóa.


Anh Ngô Phước Dũng – Thủ lĩnh Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2

Thay đổi tư duy để dẫn dắt Hợp tác xã thay đổi

Hơn 2 năm trở lại đây, mô hình “Cánh đồng thông minh Mỹ Đông 2” có lẽ được nhắc đến khá nhiều trong các cuộc họp và trở thành thương hiệu của Đồng Tháp bởi tính hiện đại trong canh tác lúa. Thế nhưng, để có được thành công này, ít ai biết rằng công đầu của thành quả là nhờ Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 Ngô Phước Dũng.

Bằng việc vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, anh Ngô Phước Dũng cùng Ban quản trị đã lãnh đạo HTX có những bước phát triển vượt bậc. Hiện HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 được xem là mô hình sản xuất lúa hiện đại nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với những tính năng vượt trội như: điều khiển sản xuất bằng điện thoại thông minh, cơ giới hóa toàn bộ các khâu thu hoạch, hơn 2/3 diện tích lúa đều sản xuất giống và được Công ty giống cây trồng miền Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường bên ngoài 900 đồng/kg, giúp xã viên thu được lợi nhuận mỗi vụ cao hơn bên ngoài 3,5 triệu đồng/công.

Hẹn chúng tôi ở cánh đồng lúa thông minh, anh Dũng khoe về những thành quả mà anh và HTX gầy dựng, anh nói: “So với 7 năm trước – thời điểm anh tiếp nhận vai trò lãnh đạo HTX thì hiện nay Mỹ Đông 2 như “một cuộc đổi đời” thật sự. Thời điểm đó, để vận động nông dân từ việc sạ lúa bằng tay sang sạ hàng rồi cấy lúa cũng là một câu chuyện nan giải, chứ đừng nói chi đến cả cánh đồng thông minh. Thế nhưng, thay vì nghĩ vận động nông dân làm theo, tôi chủ động làm trước, sau khi thấy hiệu quả, nông dân bắt đầu làm theo. Cũng từ đó, việc triển khai các mô hình sản xuất, rồi đến cánh đồng thông minh được tất cả 108 thành viên đồng ý làm theo”.

Gắn bó với cây lúa mấy chục năm nay, chưa bao giờ ông Nguyễn Hoàng Sơn - thành viên HTX lại nghĩ việc làm ruộng lại khỏe như bây giờ. Xe tải chạy tới ruộng mua lúa, nông dân không sợ đầu ra, lúc bán chỉ cần cầm phiếu xuống ngân hàng nhận tiền. “Tất cả cũng là nhờ Ban quản trị HTX có hướng đi đúng, trong đó công đầu cũng phải nói đến anh Dũng luôn nhiệt tình, năng động đưa HTX đi lên” – ông Sơn cho biết.

Hơn 7 năm gắn bó, từng bước đưa HTX đi lên với những bước đi vững chắc, anh Ngô Phước Dũng chiêm nghiệm: “Biến đổi khí hậu và sự thay đổi của thị trường bắt buộc nông dân chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để thích nghi. Tất nhiên, sự thay đổi này phải được sự đồng thuận của toàn bộ thành viên và có sự tiếp sức từ các cơ chế của Nhà nước mới giúp HTX mạnh dạn thay đổi và thành công”.


Ông Tống Văn Phong (bìa phải) kiểm tra sản phẩm của xã viên trước khi giao cho siêu thị

Tự cứu mình để cứu người

Tư tưởng tự thay đổi để “cứu mình” cũng được ông Tống Văn Phong - Giám đốc HTX nông sản sạch xã Vĩnh Thới bắt nhịp và thành công cho việc tìm đầu ra nông sản của mình.

Là nông dân trồng quýt chính hiệu, những năm trước đây, nông sản của ông cũng không tránh khỏi tình trạng “được mùa mất giá, được giá thất mùa”. Sau những khóa tập huấn sản xuất, nhận ra sự thay đổi về nhu cầu người tiêu dùng, ông Phong ngộ ra một điều “mình phải thay đổi để thoát khỏi tình trạng này”. Thế là ông tìm hiểu các chính sách khuyến khích của Nhà nước, xây dựng mô hình sản xuất sạch và chủ động đi “gõ cửa” doanh nghiệp bao tiêu nông sản. Sau bao năm vất vả, ông thu được quả ngọt khi liên kết được với Công ty VinEco của Tập đoàn Vingroup tiêu thụ nông sản cho mình và HTX.

“Tất nhiên, mọi chuyện chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là liên kết và giữ uy tín là một câu chuyện lâu dài. Để làm ăn với doanh nghiệp tin tưởng và lâu dài, đầu tiên mình phải làm thật trước. Sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP, có vùng nguyên liệu lớn để cung cấp thường xuyên, chất lượng cho công ty. May mắn của HTX là có sự đồng lòng của anh em trong Hội quán, HTX, nhờ đó việc liên kết mới thành công. Đến nay, HTX có trên 5 loại trái cây được Công ty VinEco thu mua. Ngoài làm nhà cung cấp cho Công ty VinEco, trái cây của HTX còn có mặt tại hệ thống Siêu thị Big C, hệ thống Siêu thị Co.opmart” - ông Phong chia sẻ.

Từ chỗ nông sản sạch làm ra không biết bán cho ai, bán ở đâu, hiện nay, nông sản của HTX nông sản sạch xã Vĩnh Thới gần như đã chen chân vào được phần lớn các hệ thống và kênh phân phối hiện đại. Ông Phong chia sẻ, trong xu thế của nền nông nghiệp hiện đại, việc người sản xuất chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm của mình là hết sức quan trọng. Đó là bảo bối để bảo vệ quyền lợi cũng như tạo thêm giá trị sản phẩm của nông dân. Muốn sản phẩm nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, nông dân thì mình phải tự thay đổi trước, sau đó mới tính đến chuyện thuyết phục khách hàng cũng như đưa sản phẩm ra thị trường. “Tất nhiên, ngoài yếu tố này, nông dân thời hiện đại cũng phải chủ động tự tìm hướng đi cho riêng mình - không đứng yên một chỗ chờ chính sách mà phải chủ động tìm hiểu chính sách cũng như đầu ra...” - ông Phong nói.

Từ kết quả thành công của các HTX điển hình tiến tiến ở lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh cho thấy, luôn có vai trò quan trọng của cán bộ lãnh đạo quản lý HTX. Nhất là, vai trò của người đứng đầu - Giám đốc HTX phải là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngừng sáng tạo, tìm ra được lợi thế của HTX để khai thác, có sản phẩm hàng hóa khác biệt trên thị trường. Phải là người năng động, nhạy bén, linh hoạt với cơ chế thị trường để có giải pháp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hợp lý; có chiến lược và kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Trong bài viết “Câu chuyện nông dân chuyên nghiệp” của tác giả Xích Lô - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói rằng, nông dân chuyên nghiệp là phải vừa có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế; là biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình; là biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng; là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.... Có thể nói, tính chuyên nghiệp ở những “đầu tàu” HTX này đã dần hiện rõ ở những Giám đốc HTX Đồng Tháp. Tái cơ cấu nông nghiệp là câu chuyện lâu dài, nông nghiệp chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, tuy nhiên cùng với những thay đổi của HTX, tin tưởng nông nghiệp Đồng Tháp sẽ tiếp tục còn những thay đổi mới trong thời gian tới.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn