Niềm tin để làng khô Phú Thọ vươn xa

Cập nhật ngày: 09/04/2017 06:52:27

ĐTO - Vừa qua, huyện Tam Nông đã cho ra mắt “Phú Nông Hội quán” (PNHQ), nơi quy tụ những người nuôi cá lóc và làm khô cá lóc tại xã Phú Thọ. Khi  PNHQ được thành lập, những người tham gia vào tổ chức này hy vọng đây sẽ là cơ sở để làng khô địa phương “cất cánh”.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan (bìa phải) đến chúc mừng lễ ra mắt Phú Nông Hội quán

Phát triển nhưng chưa xứng tầm

Xã Phú Thọ, huyện Tam Nông là địa phương từ lâu đã nổi tiếng với số hộ nuôi cá lóc nhiều nhất huyện, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo UBND xã, nghề nuôi cá lóc ở địa phương đã được hình thành và phát triển từ năm 1990 đến nay. Mỗi năm, toàn xã có trên dưới 40 hộ nuôi cá lóc với 30ha mặt nước ao, hầm, vèo... cung cấp cho thị trường sản lượng từ 3.500 - 4.000 tấn cá lóc thương phẩm và 5 triệu con cá lóc giống các loại... Từ con cá lóc, người dân Phú Thọ chế biến thành khô cá lóc, món đặc sản không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh lân cận và TP.Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần làm tăng chuỗi giá trị cho con cá lóc Phú Thọ.

Hiện toàn xã Phú Thọ hiện có hơn 30 hộ làm khô cá lóc, cung cấp ra thị trường mỗi ngày trên 5 tấn khô cá lóc các loại. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cá lóc thường bấp bênh. Năm nào diện tích nuôi ít thì giá cá tăng cao, nhưng khi nuôi nhiều, giá cá lại giảm. Bên cạnh đó, việc sản xuất, chế biến, bảo quản chủ yếu làm thủ công theo kinh nghiệm, chưa thể nâng cao chất lượng sản phẩm. Khó khăn nhất là vấn đề đầu ra cho các sản phẩm khô, chủ yếu dựa vào các thương lái, thiếu tính ổn định của thị trường. Với những khó khăn đó, nông dân xã Phú Thọ nhận ra rằng cần có một địa điểm tập hợp những người nuôi cá lóc, làm khô cá lóc để có kế hoạch giúp nghề phát triển bền vững. Với những mong muốn đó, PNHQ ra đời tạo điều kiện kết nối ngành chuyên môn, nhà doanh nghiệp với người nông dân, cùng trao đổi thông tin hợp tác sản xuất kinh doanh theo hướng nông sản sạch, chất lượng.

Phú Nông Hội quán - Niềm tin để làng khô Phú Thọ vươn xa

Với ý nghĩa cùng tụ họp để đồng tâm hiệp lực, đổi mới cách sản xuất, làm ăn hiệu quả, bà con nông dân tham gia hội quán bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi có “mái nhà chung” cùng bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hương - hộ làm khô cá lóc tại xã Phú Thọ cho biết: “Tôi tham gia vào PNHQ với mong muốn đưa thương hiệu của làng khô Phú Thọ phát triển rộng khắp. Khi thương hiệu vươn xa cũng là cơ hội để chúng tôi có thể tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn. Vào hội quán, anh em lo chung tay với nhau để chia sẻ kỹ thuật, liên kết với nhau để làm làm ra sản phẩm chất lượng, tạo uy tín cho làng nghề”.

Anh Nguyễn Thành Được - chủ cơ sở khô cá lóc Ngọc Hân (tọa lạc tại xã Phú Thọ) cũng rất đồng tình với việc thành lập PNHQ và tiên phong tham gia làm thành viên của hội quán này. “Tham gia hội quán này, mình chia sẻ với nhau được kinh nghiệm trong vấn đề làm khô, làm ra được con khô sạch và liên kết lại với nhau để mình mua được cá rẻ hơn. Cuối cùng thống nhất với nhau mức giá cụ thể để khi bán ra ngoài thị trường giá mang tính ổn định, tăng lợi nhuận cho nhiều hộ”.


Làng khô Phú Thọ phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng và thiếu bền vững

Các thành viên của PNHQ tự nguyện tập hợp lại trên tinh thần cùng nhau biết, cùng nhau hiểu, cùng nhau làm một cách tốt hơn trong các hoạt động sản xuất. Đồng thời là nơi để bà con làm nghề chế biến khô cá lóc học hỏi kinh nghiệm chế biến, bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước mắt, PNHQ có hơn 39 thành viên. Ông Nguyễn Văn Dọn - Chủ nhiệm PNHQ cho hay: “Mỗi tháng, hội quán tổ chức sinh hoạt 1 lần để các thành viên trao đổi kinh nghiệm trong việc nuôi và chế biến khô cá lóc. Thành viên cũng có thể trình bày những nguyện vọng hay khó khăn trong quá trình sản xuất để cùng nhau tháo gỡ. Vấn đề quan trọng đầu tiên mà hội quán đặt ra là các thành viên phải chú trọng nuôi cá lóc và chế biến khô theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm khô của Phú Thọ phải có đặc trưng riêng, tạo được uy tín thì mới có hy vọng phát triển trong tương lai”.

Để PNHQ hoạt động bền vững thì sự chung tay của chính quyền địa phương trong việc trợ giúp xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ đảm bảo đầu ra ổn định cho con cá lóc thương phẩm và khô cá là rất cần thiết. Ngoài ra, PNHQ được thành lập sẽ là tiền đề để huyện Tam Nông tiếp tục xem xét cho ra mắt các hội quán tiếp theo. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: “Để duy trì hoạt động của PNHQ trong thời gian tới, các ngành đoàn thể của huyện sẽ hỗ trợ bước đầu để cho bà con nông dân trong hội quán này hoạt động có hiệu quả. Ngoài sinh hoạt, chúng tôi sẽ lồng ghép tuyên truyền những chủ trương của địa phương, đây cũng là nơi bà con tham gia, sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Huyện sẽ xem xét hoạt động của PNHQ để có cơ sở thành lập các hội quán tiếp theo. Có thể là vùng kiệu Phú Hiệp, vùng trồng màu ở 3 xã vùng ven  An Long, An Hòa, Phú Ninh và vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với các mô hình giảm giá thành tăng giá trị hạt lúa ở xã Phú Cường...”.

PNHQ là mô hình hay, bước đầu được nông dân hưởng ứng tích cực và nhiệt tình tham gia. Đây cũng chính là con đường khởi nghiệp làm giàu chân chính ngay trên vùng đất Tam Nông. Hy vọng, với tinh thần đoàn kết  đổi mới, liên kết hợp tác trong cách làm ăn của các thành viên PNHQ xã Phú Thọ, con cá lóc và khô cá của địa phương sẽ ngày càng vươn xa.

P.Lộc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn