Nông dân cần chủ động phòng, chống các loại sâu bệnh gây hại trên khoai lang
Cập nhật ngày: 03/04/2015 13:46:52
Trong những năm qua, khoai lang trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế giúp cải thiện cuộc sống của một số người dân tại huyện Châu Thành, diện tích trồng khoai tập trung nhiều ở các xã: Phú Long, Tân Phú, Hòa Tân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do điều kiện thời tiết bất lợi, khoai lang bị các loại sâu bệnh gây hại như: sâu ăn rễ, bọ hà (sùng), sâu keo, sâu cuốn lá, sâu đục củ... ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng và thu nhập của người nông dân.
Thu hoạch khoai lang
Theo Trạm bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Châu Thành, thời điểm hiện tại, toàn huyện xuống giống hơn 1.300ha diện tích khoai lang hè thu 2015 và đang giai đoạn 7 - 10 ngày. So với các vụ sản xuất trước, vụ khoai lang hè thu này do ảnh hưởng thời tiết nên gặp nhiều bất lợi. Đáng chú ý là từ giữa tháng 3 đến nay, liên tục các đợt nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, một phần nhỏ diện tích xuống giống sớm đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại. Các loại sâu bệnh này gây ảnh hưởng làm khoai bị hư củ, thối rễ, hại lá, giảm sinh trưởng...
Ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Trạm BVTV huyện Châu Thành cho biết: “Vụ khoai lang hè thu năm nay, bà con nông dân đã làm tốt các khâu làm đất, xuống giống từ đầu vụ nên tỷ lệ khoai lang đậu củ khá cao, ít bị ảnh hưởng sâu bệnh. Tuy nhiên, một phần diện tích khoai lang xuống giống không đảm bảo theo lịch thời vụ là nguyên nhân làm xuất hiện thêm nhiều loại đối tượng gây hại. Đáng lưu ý hơn, các đợt nắng nóng cũng là nguy cơ đất trồng sẽ bị ảnh hưởng vì thiếu nước, nhưng số diện tích bị ảnh hưởng không nhiều do đã chủ động được việc bơm, tưới”.
Để phòng trừ các loại dịch bệnh gây hại trên khoai lang, theo Trạm BVTV huyện Châu Thành: Bà con nông dân nên chú ý khâu làm đất, đất sau khi thu hoạch vụ khoai đông xuân phải cày, xới và nên có thời gian cách li giữa vụ nhằm hạn chế nguồn thức ăn cho sâu bệnh. Sau quá trình làm đất có thể bơm nước ngập ruộng nhằm rửa trôi các chất độc hại trên đất và có thể diệt trừ các loại sâu hại. Kết hợp với đó bà con nông dân nên tiến hành dọn sạch cỏ dại, vệ sinh đồng ruộng.
Khi phun các loại thuốc ngừa sâu bệnh, người dân nên chú ý sử dụng thuốc đặc trị cho từng loại bệnh và sử dụng liều lượng thuốc hợp lý. Cụ thể: đối với các loại sâu ăn rễ, người dân nên sử dụng các loại thuốc hạt Basudin 10H, Regent 0.3g, Padan 4H; còn với sâu keo, sâu cuốn lá nên sử dụng các loại thuốc hoạt chất sinh học. Bên cạnh đó, khi phát hiện ruộng khoai lang có xuất hiện bọ hà, sâu đục củ, nông dân nên sử dụng các loại thuốc Secbut, Secsaigon, Cyper Alpha...
Để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, Trạm BVTV huyện Châu Thành khuyến cáo chính quyền địa phương và bà con nông dân cần tập trung bơm nước chống hạn, tổ chức chăm sóc, bón phân cân đối (đạm, lân, kali) theo đúng quy trình kỹ thuật. Trước khi thu hoạch, cần ngưng sử dụng các loại thuốc BVTV từ 15 - 20 ngày nhằm hạn chế dư lượng thuốc.
Ông Tâm cho rằng: “Nông dân nên thường xuyên thăm đồng, nắm rõ diễn biến sinh trưởng của loài bọ hà và các loài dịch hại khác trên ruộng khoai lang để có những biện pháp xử lý kịp thời. Nếu phát hiện sâu keo, sâu cuốn lá gây hại thì phun ngay các loại thuốc phòng trừ. Tuyệt đối không phun ngừa định kỳ khi mật số sâu hại còn thấp”.
Ngoài ra, điều quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh gây hại là nông dân nên áp dụng tổng hợp các biện pháp IPM, trong đó việc cần thiết là phải sử dụng giống tốt và chăm sóc cho khoai lang sinh trưởng khỏe mạnh làm nền tảng, kết hợp phát hiện, phòng trừ kịp thời khi sâu bệnh phát sinh với các loại thuốc đặc trị thích hợp.
Nhật Khánh