Tam Nông xây dựng cánh đồng liên kết gắn với tiêu thụ
Cập nhật ngày: 01/04/2015 12:05:32
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Tam Nông xác định lúa là cây trồng chủ đạo. Để nâng cao giá trị của ngành này, huyện chủ trương tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình cánh đồng liên kết trong sản xuất lúa gắn với xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Thu hoạch lúa tại xã Phú Đức, huyện Tam Nông
Để hình thành vùng nguyên liệu lớn, thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư, tiêu thụ, đồng thời định hướng cho người dân quen dần theo phương pháp sản xuất tập thể, từ thành công của cánh đồng mẫu lớn, huyện đã chủ động tổ chức lại sản xuất, tiếp tục phát triển thành cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, vụ đông xuân 2014-2015, huyện tiếp tục mở rộng cánh đồng với diện tích 1.181,4ha ở 7 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nâng tổng số diện tích trên địa bàn huyện là 14.285ha (chiếm 47,2% diện tích sản xuất); đồng thời được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng ngay từ đầu vụ. Hiện doanh nghiệp đã thu mua được 1.378ha/10.852 tấn, với giá cao hơn thương lái bên ngoài từ 100-150 đồng/kg (lúa tươi).
Theo điều tra sơ bộ, nông dân khi tham gia thực hiện cánh đồng liên kết đã áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: quy trình “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải 5 giảm”... giá thành sản xuất lúa giảm từ 650-700 đồng/kg so với sản xuất truyền thống; lợi nhuận của người sản xuất lúa khoảng 22-23 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn từ 4-5 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống). Với diện tích 14.285ha thực hiện cánh đồng liên kết sẽ tăng thêm lợi nhuận từ giảm giá thành sản xuất là 1,4 triệu đồng, tương đương 20,3 tỷ đồng.
Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường thành lập xí nghiệp chế biến lúa gạo gắn với Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) để gắn kết với doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đầu vào, tổ chức thu mua, sấy, tạm trữ, xay xát lúa gạo tại HTX, tạo chuỗi khép kín và nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Vụ đông xuân 2014-2015, HTX được phân bổ tạm trữ 2.000 tấn gạo (4.000 tấn quy lúa), HTX đã tổ chức thu mua được hơn 200 tấn lúa, đang thực hiện các thủ tục tiếp cận vốn vay của Ngân hàng để tiếp tục thu mua tạm trữ. Sản lượng lúa tạm trữ được HTX sấy và tách vỏ, đồng thời ký hợp đồng với Công ty TNHH TM-XNK Lộc Anh thu mua lại gạo của HTX.
“Huyện đang quan tâm, theo dõi mô hình tích tụ ruộng đất tại xã Phú Cường với diện tích 80ha và sẽ mở rộng diện tích trong thời gian tới. Tất cả diện tích sản xuất cùng một loại giống, được đầu tư máy móc sản xuất liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đây là mô hình điểm về tổ chức lại sản xuất, hình thành doanh nghiệp trong nông nghiệp và phân công lại lao động ở nông thôn. Thời gian tới, huyện sẽ kết nối với Công ty Lương thực Việt Hưng (Tiền Giang) xúc tiến thành lập doanh nghiệp liên danh trong mô hình để xuất khẩu lúa trực tiếp. Hiện nay, huyện xem đây là mô hình nông nghiệp định hướng thực hiện trong thời gian tới trên địa bàn huyện” - ông Lê Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông chia sẻ.
Thảo Vy