Nông dân chủ động ứng phó với mưa, bão bảo vệ sản xuất nông nghiệp
Cập nhật ngày: 20/09/2024 17:07:49
ĐTO - Trước diễn biến thất thường của thời tiết, mưa bão kéo dài kết hợp với triều cường những ngày qua làm cho mực nước trên địa bàn tỉnh dâng cao. Trước thực tế này, ngành chức năng, nông dân tăng cường công tác phòng chống ngập úng, triều cường, bảo vệ sản xuất nông nghiệp…
Nông dân Làng hoa Sa Đéc di chuyển hoa kiểng đến vị trí phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của triều cường
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, mực nước tại các nơi trong tỉnh lên nhanh theo triều cường và lũ thượng nguồn. Hiện nay, mực nước khu vực đầu nguồn ở mức cao hơn cùng kỳ khoảng từ 0,1-0,2m. Mực nước khu vực nội đồng Tháp Mười ở mức cao hơn cùng kỳ khoảng 0,1-0,2m; mực nước khu vực phía Nam ở mức cao hơn cùng kỳ khoảng 0,2-0,3m.
Hiện nay, nông dân Làng hoa Sa Đéc đang bước vào vụ sản xuất phục vụ thị trường Tết. Trước diễn biến của con nước dâng cao, ngành chức năng cùng nông dân đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp bảo vệ sản xuất. Ông Đặng Quang Giàu - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Sản xuất và Cung ứng hoa kiểng khóm Tân An, phường An Hòa, TP Sa Đéc, cho biết: “Vụ hoa Tết này, THT xuống giống hơn 30.000m2 diện tích, trong đó chủ yếu trồng hoa cúc mâm xôi chiếm khoảng 50%, còn lại là hoa hồng và cây phục vụ công trình. Hiện tại, để ứng phó tình hình triều cường dâng cao, THT tiến hành cơi nới các giàn hoa, đồng thời, chuẩn bị máy bơm đề phòng ngập úng cục bộ”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, chia sẻ: “Trong vụ hoa Tết Nguyên đán 2025, nông dân trên địa bàn TP Sa Đéc xuống giống hơn 100ha diện tích. Nhằm bảo vệ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong thời điểm con nước dâng cao, thành phố chủ trương vận động người dân kê cao các giàn hoa, kiểng. Đồng thời cử cán bộ đi kiểm tra thường xuyên các đoạn đê bao, cống nước xung yếu để cảnh báo kịp thời tình hình thủy văn cho người dân chủ động ứng phó”.
Tại vùng rau xã Tân Bình, huyện Châu Thành đang vào vụ sản xuất rau màu phục vụ thị trường. Ông Nguyễn Thành Nguyên - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông sản Thành Nguyên (xã Tân Bình, huyện Châu Thành) cho biết: “Hiện tại, tổng diện tích sản xuất của hợp tác xã hơn 150ha, gồm các loại rau, củ như: củ cải, hành lá, xà lách... Mấy ngày qua, mưa lớn kéo dài khiến con nước dâng cao, gây khó khăn phần nào cho việc sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo sản xuất, đơn vị đã chủ động cử người thăm đồng thường xuyên để ứng phó kịp thời diễn tiến của thủy triều; đồng thời, sử dụng các chế phẩm sinh học để cung cấp đủ dinh dưỡng cho rau, củ chống chọi tốt với thời tiết bất lợi...”.
Nông dân trồng quýt Tết tại huyện Lai Vung kiểm tra hệ thống cống thoát nước
Tại huyện Lai Vung, để ứng phó với triều cường dâng cao trong bảo vệ vườn cây ăn trái, ngành chuyên môn và các địa phương đã chủ động khâu bơm chống úng, kết hợp kiểm tra bờ bao thường xuyên. Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Nhằm đảm bảo ăn chắc trong sản xuất nông nghiệp, huyện triển khai nhiều biện pháp ứng phó trước tình hình triều cường dâng cao. Theo đó, phân công thành viên thuộc Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục bám sát địa bàn nhằm chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; thường xuyên kiểm tra theo dõi tình hình thời tiết và đẩy mạnh kiểm tra, rà soát các đê bao xung yếu, gia cố các đập dã chiến để ngăn triều cường...”.
Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, dự báo 10 ngày tới, mực nước tại khu vực phía Nam của tỉnh tiếp tục lên và đạt đỉnh triều cường vào ngày 20-21/9, sau đó, biến đổi chậm và xuống dần. Dự báo, mực nước đỉnh triều cao nhất tại khu vực phía Nam của tỉnh Đồng Tháp xuất hiện trong khoảng thời gian từ 5-8h sáng và từ 17-19h chiều hằng ngày. Tình hình triều cường cao ở mức báo động 3 kết hợp mưa to tại chỗ trong những ngày tới sẽ gây nguy hiểm các vùng đê bao trồng cây ăn quả, gây ngập úng những vùng không có đê bao, vùng đê bao thấp, vùng đô thị… ở khu vực phía Nam của tỉnh.
Nông dân vùng rau an toàn xã Tân Bình, huyện Châu Thành chủ động các biện pháp ứng phó triều cường, thời tiết bất lợi
Trước tình hình dự báo nói trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và thành viên Ban Chỉ đạo ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và triều cường; kịp thời thông tin, cảnh báo để các đơn vị, địa phương và người dân nắm, chủ động ứng phó...
Nhật Nam