Nông dân Tháp Mười từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 10/04/2022 06:14:18

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220410061535dt2-2.mp3

 

ĐTO - Qua thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay, nông dân huyện Tháp Mười không chỉ đẩy mạnh cơ giới hóa mà đã từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp.


Sử dụng thiết bị bay không người lái để phun phân và xịt thuốc trừ sâu

Chúng tôi có mặt khi ông Nguyễn Quốc Dũng ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười đang thuê thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho 4ha lúa của mình. Ông Dũng cho biết, đây là vụ thứ 2 gia đình ông thuê thiết bị bay không người lái để phun thuốc. Do hiện tại chi phí nhân công, xăng dầu đều tăng nên ông tìm hiểu, thấy một số nơi sử dụng thiết bị bay không người lái để phun phân và xịt thuốc trừ sâu. Qua thời gian theo dõi, ông thấy được hiệu quả nên quyết định áp dụng cho diện tích đất của gia đình. Qua 2 vụ thực hiện việc phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái giúp ông Dũng tiết kiệm từ 20 - 30% chi phí thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong thời điểm chi phí nhiên liệu, công lao động tăng và hiếm như hiện nay thì thuê thiết bị bay không người lái là một giải pháp hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Hoàng Thái ở xã Mỹ Đông thì đây là vụ thứ 6 ông sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc. Do diện tích đất nằm trong cánh đồng mẫu của Hợp tác xã Thắng Lợi nên ông Thái sản xuất theo chuẩn SRP, ứng dụng công nghệ 4.0 trong suốt quá trình sản xuất như: quản lý sâu rầy bằng hệ thống bẫy đèn thông minh, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái để giảm lượng thuốc, bảo tồn thiên dịch, chất lượng hạt lúa đáp ứng nhu cầu của đơn vị liên kết thu mua. Ông Thái chia sẻ, chưa bao giờ nông dân làm ruộng lại khỏe như lúc này, ứng dụng máy móc từ đầu vụ đến khi thu hoạch, quan trọng là không phải lo tìm thương lái mua lúa mỗi khi thu hoạch, giờ thì bán lúa cho doanh nghiệp và họ sẽ chuyển tiền qua tài khoản.

Theo tính toán của nhiều nông dân, khi phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái, giúp giảm lượng thuốc từ 20 - 30% so với phun theo cách truyền thống, giúp giảm công lao động, tiết kiệm thời gian, trung bình mỗi ngày, máy có thể phun được từ 30 - 40ha, tương đương khoảng 20 nhân công lao động, giúp tiết kiệm chi phí khoảng 2 đến 3 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc BVTV và giải được bài toán thiếu nhân công lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và bảo vệ môi trường. Vì vậy, số lượng nông dân sử dụng thiết bị bay không người lái ngày càng tăng.

Là một trong những người tiên phong trong việc mua thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV cho gia đình, anh Trương Tấn Tài ở thị trấn Mỹ An cho biết: Do có điều kiện tiếp cận nhiều thông tin trên báo đài hay các trang mạng xã hội, nắm bắt được xu thế sản xuất nông nghiệp, nên anh mạnh dạn tìm hiểu và mua máy. Ngoài phun thuốc sản xuất nông nghiệp cho gia đình, anh còn đi phun thuê, sau hơn 1 năm, anh thấy được những ưu điểm khi sử dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp và nông dân bắt đầu sử dụng nhiều, anh mạnh dạn đầu tư thêm máy. Hiện tại, gia đình anh đã có 4 máy để phục vụ nông dân trong và ngoài huyện.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, hiện tại, Tháp Mười có 74 thiết bị bay không người lái phun xịt thuốc, đáp ứng nhu cầu phun trên 2.000ha/ngày và con số này vẫn đang tăng. Có thể thấy, công nghệ thời 4.0 giờ đã len lỏi đến từng mảnh vườn, thửa ruộng. Những cánh đồng được cơ giới hóa từ mặt đất đến phun thuốc, quản lý dịch hại từ trên bầu trời đã mang đến sắc thái mới cho nông nghiệp. Giúp gia tăng hiệu quả sản xuất, giúp nông dân không phải “tay lấm chân bùn” và hơn hết là bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Thuý Ly

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn