Nông dân... thờ ơ khuyến cáo (!?)

Cập nhật ngày: 10/10/2012 07:38:59

Vụ hè thu 2012, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá xuất hiện trở lại tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang... là những địa phương có diện tích bị nhiễm khá nhiều. Chỉ riêng Đồng Tháp, có thời điểm diện tích lúa bị nhiễm loại bệnh chưa có thuốc đặc trị này lên đến khoảng 2.000ha với nhiều mức độ.

Nguyên nhân chính, theo ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn các địa phương là do nông dân xuống giống không tuân thủ lịch né rầy. Tương tự, tình trạng vụ tôm sú năm 2012 bị thiệt hại nặng ngay từ đầu tại nhiều địa phương trong vùng, trong nhiều nguyên nhân, theo ngành chức năng có nguyên nhân do thả nuôi không tuân thủ lịch thời vụ. Rồi chuyện lúa IR 50404 vụ đông xuân 2011 - 2012 khó tiêu thụ, giá thấp cũng được cho là do nông dân không tuân thủ theo khuyến cáo, ồ ạt xuống giống giống lúa này...

Việc không ít hộ nông dân không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn là có thật. Một câu hỏi cần đặt ra: Phải chăng một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn chưa thật sự tin tưởng vào các khuyến cáo này? Lý giải như thế nào khi tình trạng lúa giống IR 50404 khó tiêu thụ, giá thấp trong vụ đông xuân 2011 - 2012 vẫn chưa... “nguội”, song trong 12.000ha lúa vụ hè thu 2012 tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp), tỉ lệ diện tích sử dụng giống IR 50404 vẫn chiếm đến 80 - 90%? Và tới vụ thu đông 2012, diện tích lúa nông dân ở các địa phương vùng ĐBSCL sử dụng giống IR 50404 cũng chưa giảm xuống tới mức ngành chức năng khuyến cáo nên sử dụng.

Có một thực tế là năm 2011, nông dân nào không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chức năng, trồng nhiều lúa giống IR 50404 thì trúng mùa, được giá. Điều đó cho thấy, ở góc độ thị trường (trồng giống lúa nào dễ tiêu thụ, bán được giá) thì khuyến cáo của ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn không phải lúc nào cũng sát sườn. Còn ở góc độ chuyên môn (xuống giống theo lịch né rầy, theo lịch thời vụ...) vì sao một bộ phận nông dân vẫn xuống giống sớm, thả nuôi sớm (tức không nghe theo khuyến cáo của ngành chức năng)? Phải chăng một bộ phận nông dân vẫn chưa tiếp cận được với thông tin khuyến cáo của ngành chức năng?

Xem ra, vấn đề cần đặt ra là: Nên mổ xẻ, phân tích, lý giải nguyên nhân do đâu không ít nông dân vùng ĐBSCL chưa quan tâm tới các khuyến cáo của ngành chức năng, dù mục đích của các khuyến cáo này là vì lợi ích của chính nông dân?

Lê Như Giang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn