Huyện Lai Vung

Ổn định đầu ra cho nông sản - hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Cập nhật ngày: 22/11/2013 05:24:49

Những năm gần đây, việc sản xuất nông nghiệp của huyện Lai Vung chuyển biến tích cực, nhất là nhiều chương trình, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đem lại những lợi ích thiết thực, góp phần tạo thuận lợi cho nông dân phát triển kinh tế bền vững, ổn định cuộc sống.


Sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản

Liên kết hiệu quả

Trong những năm qua, nông dân trồng đậu bắp Nhật và dưa lê trên địa bàn huyện Lai Vung rất phấn khởi khi sản phẩm làm ra đều được doanh nghiệp bao tiêu với giá cả hợp lý, góp phần phát triển sản xuất.

Việc bao tiêu được bắt đầu từ năm 2005, khi Công ty Hoàng Vinh và Công ty Hồng Huế (TPHCM) ký hợp đồng với địa phương trong việc trồng và tiêu thụ dưa lê. Đây là loại cây trồng mới do công ty cung ứng hạt giống và hướng dẫn nông dân về kỹ thuật canh tác. Ban đầu, diện tích trồng hạn chế, nhưng nông dân thu được kết quả tương đối khả quan. Từ đó, hình thức liên kết này được duy trì, mỗi năm 2 vụ (đông xuân và hè thu).

Không dừng lại ở đó, năm 2006, nông dân huyện Lai Vung phấn khởi hơn khi Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu chính thức ký hợp đồng với nông dân xã Tân Hòa về việc sản xuất canh tác đậu bắp Nhật. Công ty cung ứng chi phí hạt giống hơn 20 triệu đồng/ha, cùng với việc hướng dẫn kỹ thuật và thỏa thuận giá cả thu mua với nông dân. Ban đầu, toàn huyện chỉ trồng vài ha thử nghiệm, kết quả mang lại khả quan, nên trong 3 năm gần đây diện tích trồng đậu bắp Nhật tại xã Tân Hòa tăng lên đáng kể. Không chỉ có xã Tân Hòa mà các xã giáp ranh là Định Hòa, Phong Hòa và thị trấn Lai Vung cũng đang phát triển hình thức liên kết này.

Trong năm 2013, phong trào trồng dưa lê và đậu bắp Nhật theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm đang phát triển mạnh trong toàn huyện, với trên 36ha diện tích trồng dưa lê và hơn 70ha diện tích trồng đậu bắp Nhật. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nông sản bằng hợp đồng đặt ra yêu cầu về cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đồng thời hợp đồng yêu cầu nông dân phải tuân thủ các điều khoản hợp đồng, thực hiện tốt sản xuất theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm nông sản đủ số lượng, chất lượng, cung ứng sản phẩm đúng thời gian quy định. Doanh nghiệp thu mua sản phẩm phải có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hướng dẫn nông dân sản xuất. Bản hợp đồng chính là căn cứ pháp lý để các bên tuân thủ thực hiện.

Ông Phan Trung Đét ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, nhưng hiệu quả không cao. Đến năm 2005, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương thông qua việc bao tiêu sản phẩm nông sản, nên gia đình tôi chuyển sang trồng dưa lê với hơn 4ha diện tích. Công ty Hoàng Vinh bao tiêu hỗ trợ chi phí giống và thu mua với giá 9.500 đồng/kg, trừ chi phí gia đình tôi còn lãi hơn 150 triệu đồng”.

Anh Lê Văn Tho ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, cho biết: “Sau khi có chương trình khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ cùng với việc liên kết bao tiêu sản phẩm của Công ty cổ phần thủy sản Bạc Liêu, gia đình tôi yên tâm sản xuất hơn 5ha đậu bắp Nhật. Với năng suất 10-15 tấn/ha, giá bao tiêu của Công ty là 7.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí lợi nhuận thu được trên 70 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Cắt - Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giúp nông dân yên tâm sản xuất vì có đầu ra ổn định. Mặt khác, nông dân cũng được tiếp cận kỹ thuật trồng dưa lê và đậu bắp mới, quy hoạch vùng sản xuất tập trung nên công tác chỉ đạo và áp dụng tiến bộ kỹ thuật có nhiều thuận lợi.

Tiếp tục nhân rộng

Từ những kết quả tích cực đạt được, các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành nông nghiệp huyện Lai Vung xác định cần phải đẩy mạnh việc mở rộng các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong các vụ tiếp theo. Trong năm 2014, huyện sẽ tiếp tục làm cầu nối xây dựng tốt mối liên kết giữa doanh nghiệp bao tiêu nông sản với người nông dân; đồng thời mở rộng diện tích hai loại hoa màu đang có nhiều triển vọng này. Trong đó, diện tích dưa lê sẽ phát triển hơn 40ha và nâng diện tích trồng đậu bắp Nhật lên hơn 140ha.

Tuy nhiên, khó khăn lớn trong việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là khó gặp nhau do sản xuất của nhiều nông hộ còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Trong khi đó, doanh nghiệp rất ngại thương thảo, ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với nhiều hộ nhỏ trong một khu vực sản xuất vì khó tìm được tiếng nói chung.

Theo ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện giữa nông dân và doanh nghiệp dần hình thành được nhiều mô hình liên kết hợp tác sản xuất hiệu quả cao. Phát huy kết quả đạt được, huyện đã yêu cầu các cấp chính quyền tại địa phương, nhất là các xã, thị trấn cần phải quan tâm mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết sản xuất cùng nông dân.

Trên cơ sở các mô hình ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong những năm sau, huyện Lai Vung sẽ theo dõi, đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn, góp phần hình thành phương thức sản xuất, kinh doanh mới, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn