Ông Lê Hữu Dư, người tiên phong thực hiện chủ trương tiết kiệm điện

Cập nhật ngày: 24/12/2012 05:34:11

Sau nhiều năm kiên trì khảo sát và nghiên cứu, ông Lê Hữu Dư - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành đề tài “Đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và nghiên cứu các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” vào năm 2010, được Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Tỉnh, Bộ Công thương đánh giá cao và cho triển khai thực hiện ở Đồng Tháp và một số tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ.


Tiết kiệm điện ở ngành chế biến lương thực

Theo ông Lê Hữu Dư, trong quá trình sản xuất, các cối xát sẽ mòn dần, việc ép thun để đảm bảo hiệu quả xát trắng sẽ làm tăng phụ tải, dẫn đến việc tiêu thụ năng lượng nhiều. Nếu áp dụng giải pháp thay đổi cối xát nhiều lần thì hiệu quả sản xuất sẽ được nâng cao, chất lượng đảm bảo và tiết kiệm nguồn năng lượng rất lớn. Theo tính toán, nếu thay cối xát nhiều lần (lần 3, lần 4 và lần 5) sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 24.700.000 đồng cho việc thay đổi cối lần 3, 25.246.000 đồng lần thứ 4 và 24.209.000 đồng cho lần thay cối thứ 5.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 292 doanh nghiệp sản xuất chế biến lương thực với tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm là 121.758.744kwh, cùng với việc thay cối xát trăng như trên, nếu thực hiện tiếp 4 giải pháp: Lắp biến tần cho quạt hút cám, tính toán thời gian thay dao và lưới phù hợp, sử dụng động cơ có hiệu suất cao và công suất phù hợp, lắp tự bù cho hoạt động non tải thì mỗi năm tiết kiệm được 12.334.000kwh và giảm phát thải được 5.259 tấn CO2 ra môi trường.

Tiết kiệm điện ở hệ thống trạm bơm

Tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 620 trạm bơm điện, qua khảo sát cho thấy phần lớn các trạm bơm điện, động cơ hoạt động có hệ số tải khoảng 0.6 đến 0.85 tải định mức, số còn lại, động cơ hoạt động ở chế độ non tải (hệ số mang tải < 0.6) là động cơ một pha cũ, quấn lại. Ở những trạm bơm động cơ hoạt động ở chế độ non tải, phần lớn các trạm không quan tâm đầu tư lắp tự bù công suất phản kháng nên hệ số công suất chỉ ở mức 0,6 - 0,85, những trạm có lắp tự bù thì hệ số công suất đạt 0.85% - 0.9%.

Theo nghiên cứu cho thấy, trong chi phí cho cả vòng đời của một động cơ thì chi phí ban đầu chỉ ở mức 4%, chi phí bảo dưỡng 1%, 95% chi phí còn lại thuộc về chi phí cho năng lượng tiêu thụ. Từ kết quả này, ông Lê Hữu Dư đề xuất: Cần mạnh dạn sử dụng động cơ mới có hiệu suất cao thay cho động cơ cũ quấn lại nhiều lần sẽ tiết kiệm được khoảng 14.5% lượng điện năng tiêu thụ. Những động cơ hoạt động non tải nên lắp hệ thống tụ bù công suất phản kháng. Ở những nơi đã có dòng điện ba pha thì không nên đấu động cơ hoạt động ở chế độ một pha, vì làm như vậy sẽ giảm đi khoảng 50% công suất thiết kế nên hiệu suất sẽ giảm xuống rất nhiều, đồng nghĩa với việc tiêu thụ năng lượng lớn. Thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm điện trong hệ thống trạm bơm, mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 15% điện năng tiêu thụ, tương đương 4.800.000kwh, giảm phát thải ra môi trường 2.032 tấn CO2.

Tiết kiệm điện trong sinh hoạt gia đình

Theo số liệu điều tra cho thấy, toàn tỉnh có 411.000 hộ gia đình, trong đó có 41.1% hộ sử dụng bóng đèn sợi đốt (bóng đèn dây tóc) 60 - 100w để thắp sáng. Nếu 41.1% số hộ này chuyển từ bóng đèn sợi đốt sang dùng bóng đèn Compacl công suất 12w để thắp sáng trong 5 giờ (từ 17 - 21 giờ) mỗi ngày thì số điện năng tiết kiệm được một năm sẽ là 14.800.000 kwh. Thật đơn giản nhưng lại rất hiệu quả.

Tiết kiệm điện trong chế biến lương thực, trong hệ thống trạm bơm và trong sinh hoạt gia đình, chỉ 3 trong 10 phân ngành, lĩnh vực tiết kiệm điện của đề tài “Đánh giá hiện trạng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và nghiên cứu các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả” (các phân ngành, lĩnh vực khác gồm: tiết kiệm điện trong chế dược phẩm, thủy sản, sản xuất nước đá, sản xuất gạch, hệ thống điện và hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng công cộng và cấp nước).

Do hiệu quả tiết kiệm điện của đề tài mang lại cao, dễ thực hiện nên không chỉ có trong tỉnh Đồng Tháp mà nhiều địa phương như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Long An và Bình Thuận đã mời ông Lê Hữu Dư và Trung tâm Khuyến công, Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp đến báo cáo đề tài và triển khai thực hiện. Từ hiệu quả của đề tài này, thiết nghĩ nếu nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vì mục đích “Ích nước, lợi nhà” thì chúng ta sẽ có được thông điệp “Dòng điện không bao giờ tắt” thay cho cảnh “Dòng điện không báo giờ tắt” lâu nay vẫn thường xảy ra ngoài ý muốn!

NQ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn