Ông Nguyễn Văn Hoanh - người nông dân chuyên cần

Cập nhật ngày: 02/12/2020 16:02:34

ĐTO - Mỹ Xương vốn nổi tiếng là xứ xoài của huyện Cao Lãnh, nơi đây có nhiều nông dân trồng xoài nổi tiếng với nhiều năm kinh nghiệm. Trong đó có nông dân Nguyễn Văn Hoanh ở ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương - người thành công với giống Xoài Cao Lãnh theo hướng GlobalGAP.


Ông Nguyễn Văn Hoanh (bìa trái) cùng các thành viên trong tổ Hội nông dân trao đổi kỹ thuật chăm sóc Xoài Cao Lãnh

Xoài Cao Lãnh được xem là loại xoài khó tính, mẫn cảm với các điều kiện sinh trưởng nên khó đậu trái. Ông Nguyễn Văn Hoanh chia sẻ: “Khoảng 10 năm trước, tôi làm theo cách truyền thống, thu nhập mỗi năm chẳng có bao nhiêu, bởi xoài không được đẹp, sản lượng ít, bán giá thấp. Sau đó, tôi suy nghĩ, tính toán nhiều lần. Đến năm 2012, tôi đi thu hoạch xoài mướn ở nhiều nơi, học hỏi thêm kinh nghiệm và được địa phương tập huấn, hội thảo nên tôi quyết định thay đổi phương pháp sản xuất theo quy trình của ngành nông nghiệp hướng dẫn. Khi sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP, tôi phải thực hiện theo quy trình mới kỳ công hơn. Tuy nhiên với sự quyết tâm, vừa làm, vừa học hỏi, dần dần quy trình sản xuất thực hiện được chuyên nghiệp hơn”.

Nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức canh tác tiên tiến theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mà vườn xoài gần 1ha của ông luôn cho những trái ngọt. Trải qua không ít khó khăn, gian truân, ông Hoanh cũng như nhiều nông dân khác cũng phải học hỏi kinh nghiệm từ việc chăm sóc, bón phân, xử lí thuốc,... sao cho phù hợp và xoài phát triển tốt. Chính sự cần cù, chịu khó, vườn Xoài Cao Lãnh của ông luôn xanh tốt và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Hoanh cho biết thêm: “Sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP hạn chế sử dụng hóa chất phải xây dựng nơi trữ, xử lý bao thuốc và rửa dụng cụ phun thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất xoài theo hướng an toàn trong việc sử dụng bao trái xoài, biện pháp tỉa cành tạo tán sau thu hoạch và bón phân hữu cơ sinh học. Trồng Xoài Cao Lãnh theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho năng suất khoảng 10 tấn/ha, trong đó có khoảng 80% xoài loại 1 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, trồng xoài theo quy trình này sẽ giảm chi phí 50% số lần phun xịt thuốc”.

Ngoài là nông dân sản xuất giỏi, ông Hoanh còn là Tổ trưởng Hội Nông dân ấp Mỹ Hưng Hòa. Ông thường xuyên chia sẻ thông tin, kiến thức cũng như kinh nghiệm sản xuất hiệu quả cho các thành viên để mọi người cùng nhau sản xuất tốt, an toàn và được thị trường ưa chuộng.

Bà Trần Bích Thúy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Xương cho biết: “Ông Hoanh tiên phong trào tại địa phương. Đặc biệt, ông luôn tuyên phong đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất GlobalGAP, ông rất nhiệt tình chịu khó học hỏi những nông dân đi trước, nhiều năm liền, ông đạt Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện giai đoạn 2017 – 2019 và trước đó, ông cũng vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen”.

Xoài Cao Lãnh không phải là loại cây trồng mới, tuy nhiên để canh tác đạt hiệu quả, đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức, kinh nghiệm và cả một quá trình nghiên cứu lâu dài. Quá trình ấy cũng phải được cập nhật thường xuyên qua mỗi vụ canh tác để duy trì hiệu quả kinh tế, quan trọng hơn và giữ vững năng suất, chất lượng như nông dân Nguyễn Văn Hoanh đã và đang làm.

Thành Sơn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn