Liên kết để đi “đường dài” trong nông nghiệp

Cập nhật ngày: 01/12/2020 10:26:47

ĐTO - Hiện phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta đều thuộc quyền sử dụng của nông dân. Điều này đã làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển rất đa dạng về chủng loại ở từng địa phương, vùng miền, đây là lợi thế rất riêng của nước ta. Song để có thể tạo thành một vùng sản xuất nguyên liệu lớn có chất lượng nông sản đồng nhất để phục vụ xuất khẩu, chế biến thì đặc điểm đặc thù này lại trở thành thách thức lớn. Dù biết là nhiều khó khăn để thực hiện chuỗi liên kết, song với sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay từ thị trường thế giới đối với nhóm mặt hàng nông sản thì chỉ có thực hiện chuỗi liên kết mới có thể tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt.


Liên kết và cùng xây dựng mã số vùng trồng là yếu tố tiên quyết để trái cây có thể đi xa hơn

Liên kết để cùng nhau tồn tại

Hiểu được vai trò quan trọng của việc thực hiện chuỗi liên kết, thời gian qua, để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trái cây của địa phương, nhiều tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) sản xuất cây ăn trái đã được thành lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Các THT và HTX này đóng vai trò là “ngôi nhà chung” quy tụ nông dân sản xuất cùng nhóm nông sản lại để có những chia sẻ và định hướng phù hợp trong việc cải tiến chất lượng trái cây cũng như tìm hướng liên kết để trái cây có đầu ra ổn định hơn.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Hòa, huyện Lai Vung chia sẻ: “Hiện nay, xã có 1 HTX và 7 THT, đây là những tổ chức nền tảng để địa phương quy tụ nông dân. Sau khi thực hiện liên kết ngang giữa nông dân với nông dân thành công, chúng tôi mới bắt đầu phổ biến về sản xuất nông sản sạch – an toàn. Tùy loại trái cây khác nhau, thị trường xuất khẩu khác nhau, chúng tôi sẽ có những tập huấn phù hợp cho nông dân. Hiện phần lớn nông dân sản xuất cây ăn trái ở địa phương đều hiểu tầm quan trọng của việc sản xuất sạch và cùng nhau liên kết. Vấn đề khó khăn là chuỗi liên kết tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, siêu thị và người nông dân vẫn chưa thật sự bền chặt. Do thị trường luôn có những biến động khó lường, các “mắc xích” trong chuỗi liên kết chưa có sự thấu hiểu và san sẻ lợi ích hài hòa nên đâu đó tinh thần “thủ” cho riêng mình vẫn còn. Doanh nghiệp – nông dân không tin nhau, không hết lòng vì lợi ích chung nên thời gian qua một số mô hình liên kết của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn”.

Tình hình thực hiện chuỗi liên kết của xã Phong Hòa, huyện Lai Vùng cũng là tình hình chung tại nhiều địa phương. Chính vì chưa hiểu hết về nhau, chưa từng đứng trên vị trí của nhau để thấu hiểu nên ở chừng mực nào đó giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn e dè nhau.

Không phải tự dưng nông dân và doanh nghiệp lại có tâm thế e dè nhau, thận trọng trong liên kết. Thực tế tại nhiều địa phương đã diễn ra tình trạng làm ăn không thật lòng đã khiến cho mối liên kết rạn nứt. Hiện nay trong số các loại cây ăn trái chủ lực của Đồng Tháp thì xoài là một trong những ngành hàng có thị trường tiêu thụ rộng lớn, không chỉ phục vụ xuất khẩu trái tươi và còn là nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng được nhiều doanh nghiệp tìm đến. Mặc dù thị trường khá rộng, song hằng năm, xoài của Đồng Tháp vẫn có những thời điểm rớt giá thê thảm. Nguyên nhân chính là phần nhiều diện tích sản xuất xoài của địa phương hiện nay nông dân vẫn chưa tham gia các mô hình liên kết và sản xuất xoài có chứng nhận.

Ông Lê Thanh Tùng - Tổ trưởng THT sản xuất xoài hữu cơ Tân Thuận Tây chia sẻ: “Hơn 2 năm qua, nhờ sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, được doanh nghiệp bao tiêu giá ổn định quanh năm nên tôi cũng không còn lo lắng và áp lực về mùa vụ nữa. Thị trường đã an tâm thì việc còn lại của mình là phải không ngừng nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Phải luôn ý thức như thế thì dù trong hoàn cảnh nào doanh nghiệp cũng không thể bỏ mình được. Nói vậy thì lo hơi xa, chứ hiện nay xoài bình thường thì đầy nhưng xoài sạch thì lại thiếu và doanh nghiệp luôn tìm kiếm nguồn cung. THT của chúng tôi ngày đầu thành lập số lượng thành viên lên tới 21 người nhưng dần dần nhà vườn không theo nổi quy trình sản xuất của doanh nghiệp đưa ra rồi bắt đầu “rụng nụ” từ từ. Tới thời điểm hiện tại thì chỉ còn có 2 thành viên bám trụ liên kết với doanh nghiệp”.


Liên kết trong các tổ chức tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp

Không chỉ dừng lại ở liên kết và sản xuất sạch

Sản xuất sạch có truy xuất nguồn gốc rõ ràng không còn là câu chuyện xa vời ở các quốc gia phương Tây mà hiện nay láng giềng gần gũi nhất, “bạn hàng” nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam đang có nhiều thay đổi về quy định trong nhập khẩu trái cây. Hiện nay để có thể xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc thì trái cây của Việt Nam phải có hai loại mã vạch kiểm soát là mã số vùng trồng và mã xưởng đóng gói. Để có hai giấy thông hành này thì trái cây phải có mã số vùng trồng và doanh nghiệp phải có mã xưởng đóng gói đúng qui định.

Về phía nông dân, để bán trái cây qua thị trường Trung Quốc thì việc đầu tiên phải làm là sản xuất trái cây sạch – an toàn và liên kết với các hộ liền kề để được cấp mã số vùng trồng. Mã số vùng trồng không những đóng vai trò là điều kiện để xuất khẩu mà chính mã số vùng trồng còn là cách để nông dân có thể chịu trách nhiệm và chứng minh chất lượng của nông sản mình làm ra. Càng kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc thì giá trị nông sản sẽ càng cao.


Quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng là cách là giải pháp giúp nông dân bảo vệ chính mình và nông sản mình làm ra

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết: “Trung Quốc đã ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản tại nội địa từ rất lâu và hiện quốc gia này cũng đủ hành lang pháp lý để yêu cầu truy xuất nguồn gốc với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đây là các biện pháp đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và cũng là xu thế chung hiện nay ở nhiều quốc gia tiên tiến. Do đó, để có thể đáp ứng được yêu cầu của đối tác thì không có giải pháp nào hiệu quả hơn là cùng nhau liên kết, sản xuất theo quy chuẩn và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, để có thể tăng khả năng cạnh tranh hơn thì đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch là cần thiết. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, nông dân và chính quyền địa phương cũng có thể tiếp cận thị trường đa kênh hơn, trong đó khai thác kênh thương mại điện tử là một hướng đi triển vọng”.

Hiện Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, song để có thể định vị lại đúng giá trị của ngành nông nghiệp thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, việc cùng nhau liên kết để sản xuất hàng hóa an toàn có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc là tiền đề quan trọng để có thể khai thác sâu hơn những tiềm năng và lợi thế của ngành kinh tế mũi nhọn này. Đã đến lúc cần từ bỏ tư duy “đèn nhà ai nấy rạng” bởi nếu không hiệp lực cùng nhau, không sẵn sàng liên kết và “làm ăn” lớn với doanh nghiệp thì nông sản của địa phương chỉ mãi quanh quẫn ở “ao làng” và điệp khúc được mùa mất giá hãy còn là câu chuyện dài. Muốn định vị lại giá trị nông sản thì trước tiên nông dân phải thay đổi cách làm của mình và hãy là một mắc xích cực kỳ quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn