Phá vỡ hợp đồng liên kết và những hệ lụy

Cập nhật ngày: 16/04/2014 06:48:12

Liên kết trong sản xuất được xem là một trong những điểm nhấn hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, thời gian qua, việc phá vỡ hợp đồng phần nào làm bức tranh liên kết còn những nét chưa rõ.


Phát triển cánh đồng liên kết, cần xây dựng niềm tin giữa
doanh nghiệp và nông dân

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan, cánh đồng liên kết là một trong những mô hình ưu việt giải quyết được câu hỏi cho người nông dân “trồng cây gì? bán cho ai? và bán như thế nào? và doanh nghiệp cũng trả lời cho mình câu hỏi mua ở đâu? mua cái gì? và mua như thế nào?

Không những thế, nông dân không phải lo lắng sức ép đầu ra và chủ động thương thảo về giá với doanh nghiệp. Trước những ưu điểm của mô hình, diện tích hợp đồng liên kết trong tỉnh không ngừng tăng lên, từ một cánh đồng mẫu đã tăng lên 150 cánh đồng, trong vụ đông xuân 2013-2014 diện tích liên kết đạt 40.000 ha.

Những kết quả từ mô hình liên kết là một trong những nhân tố tác động tích cực đến việc phát triển tái cơ cấu nền nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, khó khăn cũng xuất hiện, trong đó việc phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và người nông dân là nhân tố khiến cho ngành chức năng và các hợp tác xã (HTX) trăn trở.

Gần đây nhất là việc phá vỡ hợp đồng giữa Công ty Docimexco với các HTX ở huyện Tân Hồng khiến cho bà con nông lúng túng khi lúa vàng đồng, đành “bán đổ bán tháo” cho thương lái.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đỗ vỡ hợp đồng là do 2 bên không thống nhất cách thức tính độ thuần của lúa. Phía công ty đánh giá độ lẫn theo tiêu chuẩn riêng của gạo hàng hóa, trong khi hợp đồng giữa 2 bên lại quy định độ lẫn của lúa không quá 10%. Đồng thời, giá cả công ty thu mua đưa ra thấp hơn 200 - 300 đồng so với giá thị trường...

Theo nhiều HTX, hàng hóa không bán được cho công ty, họ vẫn tìm được đầu ra ở thương lái, điều mà họ quan tâm sau khi phá vỡ hợp đồng là khâu vận động người nông dân tiếp tục đồng hành với cánh đồng liên kết sẽ rất khó khăn.

Anh Lê Hoàng Sang - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp số 1 Tân Phước cho hay: “Một số địa phương đã thành công với mô hình cánh đồng liên kết nên bà con rất yên tâm khi kí hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty Docimexco. Việc vận động nông dân tham gia vào mô hình cũng không mấy khó khăn vì họ đã hiểu nhiều hơn về kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp “bẻ kèo” với nông dân sẽ khiến cho công tác vận động tham gia vào cánh đồng liên kết trong những mùa sau sẽ rất khó khăn, người dân lo lắng liệu doanh nghiệp có tiếp tục “bẻ kèo”?.

Ngoài hệ lụy đó, hiện nay các HTX huyện Tân Hồng lo lắng khi HTX đã đứng ra “thiếu chịu” công ty cung ứng giống để chuyển cho nông dân trồng theo yêu cầu của công ty, tuy nhiên, người dân nhầm tưởng là giống của công ty đầu tư nên sau khi vỡ hợp đồng họ không hoàn tiền giống cho HTX. Tính riêng tiền giống của HTX nông nghiệp Số 1 Tân Phước đã là 150 triệu đồng.

Tại buổi làm việc với Công ty Docimexco và HTX của huyện Tân Hồng, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp không chỉ làm mất uy tín của đơn vị mà còn ảnh hưởng đến đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đang thực hiện...

Không chỉ có sự “bẻ kèo” của doanh nghiệp mà nông dân cũng đã từng khiến cho doanh nghiệp lao đao khi đến ngày cắt lúa, thì nông dân đã bán lúa cho thương lái với mức giá cao hơn vài trăm đồng.

Theo Sở Công Thương, đến gần cuối tháng 3, trên địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp xuất khẩu gạo kí hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa gạo với địa phương với diện tích 16.700ha. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 11 doanh nghiệp thực hiện thu mua theo hợp đồng. Theo đánh giá của sở này, nguyên nhân chính là giá lúa gạo sụt giảm, đầu ra xuất khẩu hạn chế nên doanh nghiệp trì hoãn việc thực hiện thu mua lúa theo hợp đồng

Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận định: “Hạn chế lớn nhất trong liên kết sản xuất là hợp đồng kí kết giữa doanh nghiệp và HTX. Hầu như trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có tiền lệ xử lí vi phạm nào trong việc phá vỡ hợp đồng. Theo đó, yếu tố quan trọng dẫn đến những vụ không mong đợi trên là sự thiếu lòng tin lẫn nhau, dẫn đến một số yếu tố nhỏ giữa 2 bên chưa thống nhất cũng làm phá vỡ hợp đồng.”

Nguyên nhân khách quan là do giá cả lúa gạo trên thị trường không ổn định, các tổ chức đại diện cho người nông dân còn yếu, không đủ uy tín và am hiểu về thị trường để định hướng, thuyết phục xã viên.

Theo ông Công, để công tác liên kết đi vào chiều sâu, việc đẩy mạnh khâu quản lí nhà nước đối với thực hiện hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là việc làm tiên quyết. Theo đó, xây dựng các HTX đủ mạnh, chọn những người có uy tín cao, được trang bị kiến thức phù hợp trong ngữ cảnh hiện nay đại diện cho nông dân thực hiện liên kết hiệu quả

Để sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả cao giữa doanh nghiệp và người nông dân phải có sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng niềm tin, thực hiện đúng hợp đồng để nông dân an tâm tin tưởng và sẽ đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Điều này nghe có vẻ lí thuyết nhưng chúng ta đang thực hiện bằng hành động. Điển hình như Công ty Võ Thị Thu Hà hiện gặp một số khó khăn thì một số HTX Tam Nông vận động người dân bán hàng hóa cho doanh nghiệp trước, 20-30 ngày sau mới lấy tiền. Chính sự thông cảm lẫn nhau giúp họ cùng phát triển” - ông Nguyễn Văn Công nói.

Theo đó, các ngành hữu quan tiếp tục hướng dẫn nông dân làm hợp đồng chặt chẽ hơn, có cơ sở pháp lí cao hơn; xây dựng trang web, cung cấp thông tin thị trường về các mặt hàng để định hướng cho việc sản xuất của người nông dân...

Tuấn Tường

< Trở về trang trước
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
  • hai lúa - hailua1176@gmail.com
  • Điều quan trong là hợp đồng phải mang tính ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng. đừng nói chung chung kiểu "vận động". Khi hợp đồng bị phá vỡ thì nhà nước phải là người đứng ra "xử" đúng theo quy định của pháp luật thì mới đem lại lợi ích cho người nông dân. Đối với doanh nghiệp bẻ kèo thì phải xử mạnh tay luôn.
 
Gửi bình luận của bạn