Phát huy Chỉ số “Đào tạo lao động”
Cập nhật ngày: 13/06/2023 05:54:17
ĐTO - Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - B&XH) triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp có liên quan nhằm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đối với Chỉ số “Đào tạo lao động” như: hỗ trợ hoạt động đào tạo công nhân, kết nối việc làm cho lao động sau đào tạo, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp (DN)... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2022, Chỉ số “Đào tạo lao động” của tỉnh đạt 5,69 điểm, giảm 0,73 điểm. Trong đó, có 7/11 chỉ tiêu giảm điểm và 4/11 chỉ tiêu tăng điểm. Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH chủ động triển khai các giải pháp thực hiện rà soát nhu cầu đào tạo lao động tại các DN. Đồng thời gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, thủy sản về nhu cầu tuyển dụng lao động, hỗ trợ đào tạo nghề và triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; tổ chức ký kết hợp tác đào tạo nghề phục vụ chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm với nhiều hình thức đa dạng tại các địa phương, DN; tăng cường nắm bắt nhu cầu lao động ở các DN trong tỉnh để tổ chức tư vấn, cung ứng, giới thiệu...
Nhằm giúp cho DN có đủ nguồn nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sở LĐ-TB&XH đề ra những giải pháp, biện pháp nhằm ổn định, cung ứng lao động cho các DN. Trong đó, thực hiện khảo sát đánh giá nguồn lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu; chú trọng đào tạo có địa chỉ, theo đơn đặt hàng của DN. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình nhu cầu lao động của các DN để chủ động tổ chức sàn giao dịch việc làm; phối hợp các DN nắm bắt cụ thể nhu cầu, số lượng, vị trí việc làm, công việc làm, tiền lương, thưởng, các chế độ phúc lợi... nhằm chuyển tải thông tin kịp thời tới người lao động nắm bắt, chủ động tìm kiếm việc làm phù hợp.
Cùng với đó, tiếp nhận và thực hiện đầy đủ các chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; giới thiệu việc làm, chỗ làm việc cho người lao động bị thất nghiệp để lựa chọn ngành nghề phù hợp; nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ...
Ông Phạm Việt Công - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, thời gian tới, nhằm giúp cho DN có đủ nguồn nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đơn vị sẽ triển khai những giải pháp, biện pháp nhằm ổn định, cung ứng lao động cho các DN. Trong đó, thực hiện khảo sát đánh giá nguồn lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình nhu cầu lao động của các DN nhằm tổ chức sàn giao dịch việc làm. Cùng với đó, triển khai ngay các phiên giao dịch việc làm lưu động ở một số huyện, thành phố có đông người lao động ngoài tỉnh mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động trở về địa phương; thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp...
TRANG HUỲNH