Huyện Lấp Vò
Phát huy liên kết trong sản xuất nông nghiệp
Cập nhật ngày: 30/07/2024 15:39:36
ĐTO - Để nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua, huyện Lấp Vò đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, phát huy vai trò của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, hội quán trong việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hóa an toàn và bền vững. Qua đó, thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương phát triển.
Thời gian qua, huyện Lấp Vò quy hoạch vùng sản xuất kiệu xã Hội An Đông theo hướng nâng cao giá trị
Phát huy hiệu quả các mô hình liên kết
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò, trong những tháng đầu năm, địa phương tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị các ngành hàng chủ lực. Trong đó, tiếp tục theo dõi, nhân rộng các mô hình thực hiện hiệu quả như: mô hình liên kết sản xuất lúa giống, mô hình liên kết tiêu thụ lúa lương thực với các doanh nghiệp, HTX; mô hình liên kết tiêu thụ bắp non, sản xuất theo hướng GAP, truy xuất nguồn gốc... Qua đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân.
Hướng tới sự phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Lấp Vò từng bước hỗ trợ cho người dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thu hút nhiều hộ gia đình tự nguyện tham gia vào các hình thức liên kết, HTX sản xuất do địa phương phát động.
Là đơn vị tiên phong trong liên kết sản xuất, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) có hơn 1.800 hộ thành viên và thực hiện 13 dịch vụ phục vụ canh tác đến đời sống sinh hoạt của thành viên. HTX quy hoạch từng vùng sản xuất với tổng diện tích quản lý là 1.180ha, duy trì sản xuất 3 vụ/năm; trong đó, diện tích lúa là 961ha, 15ha màu, 202ha cây ăn trái (chuyển đổi từ đất lúa) và 2ha nuôi thủy sản. Ngoài việc định hướng cho hộ thành viên phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, tăng cường tình đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, HTX cùng với cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, HTX chủ động đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long, Công ty Vĩnh Hoàn, Công ty Phát Tài... và các thương lái trong vùng để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng có lợi cho người sản xuất, giúp cho hộ thành viên tìm được đầu ra ổn định hằng năm từ 600 - 900ha lúa hàng hóa...
Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, chia sẻ: “Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt tiến trình phát triển của HTX. Liên kết tiêu thụ ổn định sẽ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và góp phần nâng cao kiến thức của người nông dân về sản xuất, thị trường trong xu hướng chung”.
Huyện Lấp Vò hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất lúa
Thời gian qua, HTX giống nông nghiệp Định An (xã Định An, huyện Lấp Vò) mang lại “luồng gió mới” cho nông nghiệp địa phương. HTX này có diện tích canh tác hơn 110ha, trong đó có 6ha chuyên sản xuất lúa giống. HTX từng lai tạo thành công nhiều giống lúa triển vọng, được thị trường chấp nhận. HTX còn có vùng liên kết với thành viên để sản xuất lúa hàng hóa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Với cách tổ chức và điều hành của HTX, lợi nhuận của thành viên đạt ít nhất 45 triệu đồng/ha đất sản xuất 2 vụ/năm.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX giống nông nghiệp Định An, cho biết: “Đơn vị luôn chú trọng nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới, cải tiến sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Mục tiêu là giới thiệu thật nhiều giống lúa đặc sản đến với thị trường. Cùng với đó, khu sản xuất lúa giống của HTX sẽ xây dựng thành địa điểm du lịch sinh thái để phục vụ du khách tham quan”.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Giống nông nghiệp Định An nghiên cứu sản xuất nhiều giống lúa ưu việt phục vụ thị trường
Tiếp tục nâng cao giá trị ngành nông nghiệp
Theo UBND huyện Lấp Vò, thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp, rà soát đề xuất đầu tư các công trình phục vụ hạ tầng cho các vùng sản xuất chuyên canh để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, tạo thuận lợi trong vận chuyển vật tư đầu vào cũng như vận chuyển nông sản trong vùng khi thu hoạch. Hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Triển khai thực hiện các mô hình trình diễn trên cây lúa, cây màu, cây ăn trái. Chủ động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình OCOP và các nhiệm vụ trọng tâm được giao trong năm 2024.
Bên cạnh đó, phối hợp với sở, ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ IoT và các công nghệ tiên tiến khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp; phối hợp với VNPT tập huấn tư vấn và hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc (tem xác thực điện tử) với sự tham gia của người dân (mô hình thí điểm trên xoài tại xã Định Yên). Tổ chức tập huấn hỗ trợ cộng đồng người dân thiết lập hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc đảm bảo yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin từ sản xuất đến tiêu thụ...
Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện cánh đồng liên kết - tiêu thụ; củng cố và nâng cao vai trò hoạt động, đa dạng dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp tại các HTX nông nghiệp, tổ chức triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời thực hiện các giải pháp đồng bộ để bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, lịch thời vụ cho từng vùng, từng địa bàn, chủ động phòng, chống hạn, chống lũ và phòng, chống sâu bệnh bảo vệ sản xuất. Bên cạnh đó, huyện tập trung sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất gắn mã số vùng trồng với liên kết - tiêu thụ sản phẩm... Đẩy mạnh quản lý điều hành sản xuất theo kế hoạch và lịch thời vụ, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp...
Nhật Nam