Huyện Thanh Bình

Phát huy tiềm năng kinh tế nông nghiệp

Cập nhật ngày: 05/12/2024 14:11:39

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241205021338dt2-7.mp3

 

ĐTO - Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Bình được tổ chức, sắp xếp lại, hạ tầng nông nghiệp được đầu tư nâng cấp, cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh, từ đó năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất trồng tăng lên. Các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao. Nhiều mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, sản xuất VietGAP, sản xuất an toàn, xây dựng mã số vùng trồng được ngành nông nghiệp triển khai đã góp phần thúc đẩy sản xuất.


Khâu đóng gói bao bì sản phẩm trà sen của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Sen Đồng Tháp (thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình)

Triển khai dự án, mô hình khuyến nông

Mô hình sinh kế mùa lũ đã phát triển hình thức “Tổ cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản”, có 54 thành viên với diện tích ô bao quản lý là 663ha. Năm 2023, lần đầu tiên tổ thực hiện công tác quản lý nguồn lợi thủy sản, qua đó sản lượng cá thu hoạch đạt 70 tấn, doanh thu hơn 1,4 tỷ đồng; năm 2024 đang khai thác. Mô hình này giúp nâng cao hệ sinh thái đồng ruộng, tạo sự bền vững trong sản xuất lúa phù hợp cho định hướng nông nghiệp sinh thái. Mô hình liên kết nuôi cá làng bè tại vùng nuôi ở xã Tân Quới được thực hiện với quy mô 3 cụm bè/38 vèo, năng suất từ 14 - 23 tấn/vèo, giá bán dao động 45.000 - 49.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 177 triệu - 380 triệu đồng/vèo.

Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững) gắn với liên kết tiêu thụ được thực hiện ở 4 hợp tác xã (HTX) với diện tích 790ha. Người dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP áp dụng tốt giải pháp “1 phải, 5 giảm” kết hợp thêm các giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Huyện đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn tại HTX Nông nghiệp Tân Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông hộ.

Ông Tạ Văn Bông - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình, cho biết: “HTX quyết tâm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với việc thành lập cánh đồng lớn, tập hợp thành viên HTX có nhu cầu sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và cùng chủng loại giống để có sản lượng lớn thu hút doanh nghiệp đến hợp đồng thu mua. Năm 2024, HTX đăng ký tham gia mô hình theo tiêu chuẩn SRP gắn liên kết tiêu thụ với quy mô 100ha/41 hộ nông dân. Trong thời gian tới, HTX và địa phương tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, đồng thời tuyên truyền vận động thành viên, nông dân tham gia mở rộng liên kết, trong đó tuyên truyền và so sánh về hiệu quả sản xuất lúa nhằm giảm chi phí mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân”.


Nông dân huyện Thanh Bình sản xuất ớt góp phần xây dựng nhãn hiệu “Ớt Thanh Bình”

Phát triển ngành hàng tiềm năng, thế mạnh

Ngành hàng ớt đã xây dựng nhãn hiệu “Ớt Thanh Bình” được công nhận và tiếp tục duy trì, phát triển. Đến nay, huyện xây dựng và cấp 16 mã số vùng trồng ớt với diện tích 210ha, hỗ trợ 3 công ty được cấp mã số cơ sở đóng gói đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu; toàn bộ sản lượng ớt của huyện được các cơ sở, doanh nghiệp ở địa phương thu mua, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Ngoài ra, ớt được chế biến thành nhiều loại sản phẩm như: bột ớt, tương ớt, ớt khô, muối ớt... Hiệu quả kinh tế 1ha ớt lợi nhuận từ 50 triệu - 100 triệu đồng. Trong năm 2024, huyện xây dựng kế hoạch phát triển ngành hàng ớt với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng tạo dựng thêm đa dạng về hình ảnh và chủng loại ớt.

Ông Nguyễn Văn Ten ngụ ấp Tân Thuận A, xã Tân Phú, cho biết: “Ớt là một trong những cây trồng chủ lực của huyện sau cây lúa. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Bình và UBND xã vận động nông dân tham gia thực hiện mô hình sản xuất ớt an toàn gắn với liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 10ha/8 hộ. Tôi nhận thấy, mô hình này đáp ứng được yêu cầu của nông dân, từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia 2ha. Mô hình được hỗ trợ phân bón DAP hữu cơ và thuốc trừ sâu, bệnh sinh học để phòng, trị bệnh trên cây ớt. Quy trình sản xuất này vào thực tế đồng ruộng nhằm giảm chi phí, tăng thêm thu nhập kinh tế cho nông dân”.


Quy trình chế biến sản phẩm muối ớt từ ớt Thanh Bình

Đối với ngành hàng cá tra, tổng diện tích nuôi thương phẩm gần 500ha với sản lượng hằng năm là 95.000 tấn, đạt 100% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu đều áp dụng theo tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP, VietGAP, chiếm khoảng 90% tổng diện tích nuôi cá tra trên địa bàn huyện. Tình hình liên kết - tiêu thụ cá tra trên địa bàn huyện ổn định, khoảng 90% diện tích nuôi là các công ty, doanh nghiệp, còn lại khoảng 10% là hộ cá thể và hộ nuôi gia công cho công ty đã được liên kết với công ty sản xuất thức ăn, công ty chế biến nhằm khép kín quy trình nuôi thương phẩm và chế biến để tạo ra các sản phẩm thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Diện tích ngành hàng xoài đạt chuẩn VietGAP hơn 173,5ha, có 5ha xoài đang thực hiện mô hình theo hướng hữu cơ và được cấp 36 mã số vùng trồng với diện tích 1.266ha đủ điều kiện xuất khẩu, xây dựng nhãn hiệu xoài Cù lao Tây đang được Cục Sở hữu Trí tuệ thực hiện quy trình rà soát bảo hộ, từng bước hoàn thành Nghị quyết “Xây dựng Cù Lao thành vùng kinh tế trọng điểm của huyện”.

Ngành hàng sen phát triển với diện tích hơn 18ha, đang đầu tư đẩy mạnh kết hợp du lịch, tập trung chủ yếu tại Ấp 1, xã Tân Mỹ với diện tích hơn 12ha và các xã: Tân Thạnh, Tân Phú, An Phong... Trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm từ sen được phân hạng OCOP 4 sao, đang đề xuất phân hạng 5 sao 2 sản phẩm, xuất khẩu đi nhiều nước. Trong đó, sản phẩm “Trà sen Dotha Lotus, Trà tâm sen” đạt 4 sao, “Sen yến Thiên Gia Phúc” đạt 3 sao.


Trình diễn mô hình sản xuất lúa tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc tại xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình

Ngành hàng sen được huyện tập trung hỗ trợ, định hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, sản xuất gắn tiêu thụ, chế biến các sản phẩm mang thương hiệu từ sen, gắn vùng du lịch trọng điểm của địa phương, kết hợp giới thiệu doanh nghiệp, công ty tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho các hộ trồng sen, đa dạng các sản phẩm từ sen. Theo UBND huyện Thanh Bình, trong thời gian tới, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu xác định vùng quy hoạch, diện tích phát triển sản xuất cây sen thành vùng lớn, tập trung; phát triển sản phẩm sen theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng chuyên canh, gắn kết sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ.

Huyện Thanh Bình đang tận dụng lợi thế, tiềm năng sản xuất nông nghiệp làm nền tảng, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Võ Thành Ngoan - Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, cho biết: “Để kinh tế nông nghiệp của huyện ngày một phát triển, UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức thực hiện cánh đồng liên kết - tiêu thụ. Đồng thời củng cố, nâng cao vai trò hoạt động, đa dạng khâu dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp ở các HTX nông nghiệp; tổ chức triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương; sản xuất theo hướng xanh, chất lượng, hướng đến người tiêu dùng; nghiên cứu thay đổi tư duy trong quan hệ và canh tác về nông nghiệp”.

Dương Út - Kiều Trang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn