Phát triển bền vững nhiên liệu sinh học

Cập nhật ngày: 26/07/2013 05:56:39

Trong những năm qua, ngành nhiên liệu sinh học (NLSH) trên thế giới đã có những bước phát triển mạnh mẽ dựa trên 3 động lực chính là phát triển năng lượng tái tạo trước tình trạng giá dầu tăng cao, hỗ trợ nông nghiệp qua việc gia tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) kêu gọi từ nay đến năm 2020 cần tăng gấp đôi sản lượng NLSH nhằm góp phần giảm 20C nhiệt độ trên trái đất.


Các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học trong nước chủ yếu
sử dụng nguyên liệu từ cây sắn (khoai mì) - Ảnh minh họa

Đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường

Ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" (Đề án 177) với mục tiêu đa dạng nguồn nhiên liệu, sản xuất NLSH, tái tạo, thay thế một phần nhiên liệu truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, tạo thu nhập cho nông dân.

NLSH là loại nhiên liệu được sản xuất từ nguyên liệu là sinh khối có khả năng tái tạo được. Nguồn sinh khối phổ biến hiện nay dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học là mía đường, bắp, đậu tương, khoai mì... Từ những nguyên liệu trên có thể sản xuất ethanol nhiên liệu hoặc bio-diesel. NLSH góp phần làm giảm sự ấm lên của trái đất vì đây là loại nhiên liệu tái tạo. Do đó, lượng khí thải phát ra khi sử dụng NLSH sẽ được hấp thụ khi canh tác cây trồng để tạo sinh khối làm nguyên liệu cho việc sản xuất ra chúng. Phát triển NLSH giúp tạo ra thêm nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp, tạo thêm thị trường tiêu thụ nông sản, góp phần giảm di dân về các đô thị.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn thách thức, Bộ Công Thương, Ban điều hành đề án đã chủ động, phối hợp với các Bộ ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị triển khai hầu hết các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các kết quả đạt được từng bước khẳng định ngành sản xuất NLSH đã từng bước được hình thành. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 6 nhà máy sản xuất NLSH đi vào hoạt động với công suất thiết kế đạt khoảng 535 triệu lít ethanol/năm. Cả 6 nhà máy này đều sử dụng nguyên liệu là sắn (khoai mì) lát khô. Sản phẩm của các công ty này được tiêu thụ trong nước khoảng 20%. Phần còn lại khoảng 80% sản lượng sản xuất được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin.

Có thể sử dụng được NLSH trên động cơ ô tô, xe máy thế hệ cũ

Ngày 22/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg quy định về thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn NLSH với nhiên liệu truyền thống. Hiện tại, tổng năng lực sản xuất ethanol để pha chế xăng E5 của các doanh nghiệp trên cả nước là 535 triệu lít/năm (417.000 tấn). Hệ thống phân phối xăng E5 đã có tại 175 cửa hàng thuộc hệ thống của PV OIL, Petec, Sài Gòn Petro thuộc địa bàn 36 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương, trong trường hợp các doanh nghiệp chỉ hoạt động với 65% công suất thiết kế thì sản lượng vẫn đạt 271.000 tấn, đủ để pha 5,4 triệu tấn xăng E5. Khả năng cung cấp ethanol để pha chế xăng E5 và E10 năm 2014 và các năm tới theo lộ trình là hoàn toàn khả thi.

Trong khuôn khổ đề án 177, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện đề tài "Nghiên cứu khả năng tương thích của động cơ nổ thế hệ cũ sử dụng xăng sinh học có tỷ lệ ethanol E100 lớn hơn 5%". Tại chương trình tập huấn Phát triển nhiên liệu sinh học bền vững do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM vừa qua, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, có thể sử dụng được E10 trên động cơ ô tô, xe máy đang lưu hành mà không cần sự thay đổi về kết cấu động cơ. Tuy nhiên, cần chú ý tới các chi tiết bằng đồng, cao su tự nhiên, đồng thời cần làm sạch hoặc rút ngắn chu kỳ thay thế bảo dưỡng lọc nhiên liệu, thay dầu bôi trơn.

Ngoài ra, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, nên đều đặn sử dụng phương tiện khi dùng xăng sinh học E10, trong quá trình vận hành có thể sử dụng lẫn xăng E10 và RON92 thông thường mà không gây ảnh hưởng tới tính năng của phương tiện. Với nhiên liệu tới E20 khi sử dụng cho động cơ có bộ chế hòa khí thì không cần điều chỉnh kết cấu, tuy nhiên với động cơ phun xăng điện tử cần điều chỉnh lại lượng nhiên liệu cung cấp và góc đánh lửa sớm phù hợp để đảm bảo tính năng động cơ.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn