Phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Cập nhật ngày: 26/08/2023 05:44:55
ĐTO - Trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện phong trào thi đua đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Lãnh đạo tỉnh trực tiếp tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại “Không gian Cafe Phù Sa Đỏ” Khu công nghiệp Sa Đéc
Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi
Nhằm tạo nền tảng phát triển kinh tế tư nhân, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều kế hoạch liên quan đến công tác cải cách hành chính trên địa bàn với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ Nhân dân như “Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp”, “Hẹn giờ hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; Đề án chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công”, “Tổng đài thông tin Dịch vụ công 1022”. Qua đó, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết hơn 500 thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực: đầu tư công, tiếp cận đất đai, đăng ký tài sản, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh...
Liên quan đến chính quyền điện tử và TTHC công trực tuyến, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.140 TTHC mức độ 4, trong đó có 786 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công vận hành ổn định, thông suốt 24/7. Cổng Dịch vụ công của tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ngoài ra, có các hình thức tra cứu, theo dõi tiến độ giải quyết TTHC như: Zalo, Tổng đài 1022, ứng dụng di động e-Đồng Tháp, nên cơ bản đáp ứng phần nào nhu cầu của doanh nghiệp.
UBND tỉnh ban hành các kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư bám sát Nghị quyết 02 của Chính phủ; kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); kế hoạch khảo sát năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI)... Giai đoạn 2021 - 2022, tỉnh Đồng Tháp được doanh nghiệp đánh giá là 1 trong 5 địa phương có “chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất nước” (Chỉ số PCI xếp trong nhóm 5); Chỉ số PAR thuộc “nhóm B”; Chỉ số PAPI thuộc nhóm “Trung bình cao” của cả nước. Đặc biệt, công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng được duy trì và thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, tỉnh tổ chức đối thoại công khai ít nhất 2 lần/năm với doanh nghiệp, báo chí; duy trì “Cà phê doanh nghiệp” và nhân rộng mô hình này đến các khu, cụm công nghiệp và các địa phương.
Tỉnh hoàn chỉnh phương án phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Công tác kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp theo hướng đảm bảo hạ tầng đồng bộ về đường, điện, nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc, nâng cấp các bến cảng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có 4 khu công nghiệp được quy hoạch với quy mô diện tích gần 550ha, trong đó, 3 khu công nghiệp đang hoạt động: Sa Đéc, sông Hậu, Trần Quốc Toản (tỷ lệ lấp đầy bình quân mỗi khu công nghiệp đạt gần 90%); Khu công nghiệp Tân Kiều (huyện Tháp Mười) đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, các chi nhánh ngân hàng thương mại tích cực tiết giảm chi phí hoạt động và giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Năm 2022, dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp đạt 24.339 tỷ đồng (tăng 3.202 tỷ đồng), dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 11.526 tỷ đồng (tăng 1.810 tỷ đồng) so với cuối năm 2021. Ngoài ra, tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho 20 khách hàng, trong đó có 6 khách hàng là doanh nghiệp được hỗ trợ với tổng số tiền hỗ trợ 1,2 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hàng may mặc của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồng Ngự phát huy hiệu quả
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng
Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp bằng nhiều hình thức, nhất là cuộc thi trực tuyến tìm hiểu các nghị quyết, kết luận chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI với hơn 56.600 lượt thí sinh tham dự. Đồng thời thường xuyên thông tin tuyên truyền về các tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu, mô hình khởi nghiệp hay, sáng tạo đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh để tạo sự đồng thuận, chuyển biến trong nhận thức, cùng tham gia khởi nghiệp. Nhờ đó, tinh thần khởi nghiệp luôn được hun đúc, tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Theo UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 325 doanh nghiệp được thành lập mới, ước tính giai đoạn 2021 - 2023 toàn tỉnh có 1.878 doanh nghiệp được thành lập mới (đạt 63%) chỉ tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy khóa XI về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 5.140 doanh nghiệp (đạt 97%) chỉ tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, đóng góp vào GRDP năm 2023 của tỉnh ước đạt 35%/năm (đạt chỉ tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025); giải quyết việc làm cho lao động của 6 tháng đầu năm 2023 là 15.200 lượt người, ước giai đoạn 2021 - 2023 hơn 111.100 lượt người.
Tỉnh quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, nhất là kiến thức quản trị và khởi sự doanh nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2023, các ngành chức năng chủ động phối hợp tổ chức đào tạo khoảng 3.000 lượt/năm cho các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh. Song song đó, tổ chức sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với xu hướng phát triển trong tình hình mới. Đến nay, toàn tỉnh có 29 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (25 cơ sở công lập, 4 cơ sở ngoài công lập). Các cơ sở đào tạo luôn đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, đa dạng hóa các lĩnh vực đào tạo gắn với ngành nghề thế mạnh của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đào tạo nghề cho hơn 33.500 học viên, trong đó đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp gần 1.400 học viên.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 từ phải sang) cùng Đoàn công tác của tỉnh khảo sát thực tế về hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành
UBND tỉnh làm việc với Đại sứ quán, các doanh nghiệp các nước: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhằm xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường. Đặc biệt, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các hoạt động: Ngày hội sản phẩm OCOP, Lễ hội Sen, Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp tại TP Hồ Chí Minh. Đến nay, hàng hóa của tỉnh có mặt trên 150 Quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là một số thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp. Trọng tâm là thực hiện cải cách hành chính, thực hiện “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, chú trọng công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ khó khăn trong triển khai xây dựng khu công nghiệp và hoàn chỉnh hệ thống logistics. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước, liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước nhằm tăng khả năng cạnh tranh và cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trên địa bàn Đất Sen hồng.
DŨNG CHINH