Tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Cập nhật ngày: 24/08/2023 11:29:20

ĐTO - Ngày 24/8, tại TP Lạng Sơn, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Tham dự tại điểm cầu Đồng Tháp có Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Tất Đạt  cùng các đơn vị liên quan.


Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp

Đến nay, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như: xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Newzealand, Úc… là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Đối với Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 42.867ha diện tích cây ăn trái, sản lượng 403.069 tấn. Đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 510 vùng trồng cây ăn trái (diện tích 13.388ha) được cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; diện tích được chứng nhận VietGAP là 703,07ha (chủ yếu là xoài, nhãn, cây có múi, mận, thanh long, sầu riêng, mít...).

Tuy nhiên, gần đây, Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật  (KDTV) và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định. Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu…

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, tại hội nghị, các đại biểu đề xuất một số giải pháp như: các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực thực hiện công tác cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; đa dạng hóa các hình thức tập huấn, tuyên truyền về mã số theo hướng tiếp cận từng nhóm đối tượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và truy xuất thuận tiện; các vùng trồng, cơ sở đóng gói cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất và tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu…

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn