Phát triển kinh tế đa tầng giúp nhà vườn Mỹ Xương tăng thu nhập

Cập nhật ngày: 11/04/2024 05:49:40

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240411055121DT2-6.mp3

 

ĐTO - Những năm gần đây, bên cạnh canh tác xoài theo hướng hữu cơ, an toàn, nhiều nhà vườn tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh còn sáng tạo thực hiện mô hình kinh tế đa tầng, giúp tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Mô hình này còn là giải pháp hiệu quả giúp nông dân bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững.


Mô hình nuôi thỏ thương phẩm dưới tán vườn xoài giúp anh Bùi Bá Dương (thứ 2 từ trái sang) nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất

Phát triển kinh tế đa tầng gắn với chuỗi sản xuất

Được biết đến là một trong những địa phương có diện tích canh tác xoài lớn của huyện Cao Lãnh, những năm qua, xã Mỹ Xương xây dựng nhiều giải pháp phát triển ngành hàng xoài theo hướng an toàn, bền vững. Theo thống kê của UBND xã Mỹ Xương, hiện địa phương có trên 500ha canh tác xoài, trong đó có 100% diện tích được sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn và được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật bản, EU...

Trên tinh thần tiếp tục nâng cao giá trị cho ngành hàng xoài, những năm gần đây, xã Mỹ Xương khuyến khích nông dân phát triển mô hình kinh tế đa tầng gắn với chuỗi sản xuất của ngành hàng xoài. Theo đó, tận dụng diện tích sẵn có dưới tán xoài, nhà vườn Mỹ Xương canh tác thêm một số loại cây rau màu ngắn ngày và nuôi thêm một số vật nuôi như: gà, cá, thỏ, ốc, dế... để tăng thu nhập.

Đến thăm mô hình kinh tế đa tầng của anh Bùi Bá Dương ở ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ khi tất cả các mô hình sản xuất tại vườn xoài của anh Dương đều được khép kín, phụ phẩm của chuỗi sản xuất này sẽ là “đầu vào” của chuỗi sản xuất mới.

Anh Bùi Bá Dương tâm sự: “Năm 2019, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất xoài và kinh tế của gia đình. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, tôi bắt đầu đóng chuồng và thử nghiệm nuôi thỏ thương phẩm. Ban đầu, tôi chỉ nuôi vài cặp thử nghiệm, sau đó, nhận thấy thỏ khá dễ nuôi, ăn được nhiều loại thức ăn đa dạng từ xoài dạt đến rau cỏ có sẵn trong vườn... Vì vậy, tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích chuồng nuôi. Hiện tại, trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán khoảng 3 đợt thỏ thịt với doanh thu trung bình từ 15 triệu - 17 triệu đồng/năm. Để giải quyết vấn đề chất thải trong nuôi thỏ, dưới ao tôi nuôi thêm một số loại cá và ốc, một phần chất thải còn lại của thỏ sẽ được xử lý và bón lại cho cây xoài... Mặc dù, nguồn thu nhập từ các mô hình kinh tế phụ không cao như canh tác xoài, nhưng nhờ áp dụng quy trình sản xuất khép kín giúp tôi giảm được chi phí canh tác rất nhiều, từ đó góp phần tăng lợi nhuận”.


Khách du lịch thích thú khám phá mô hình trồng xoài và mô hình kinh tế đa tầng tại vườn của ông Trần Phú Hậu (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) (Ảnh tư liệu)

Tạo hệ sinh thái xanh, bền vững

Qua việc thay đổi tư duy trong sản xuất giúp nông dân xã Mỹ Xương tạo được một hệ sinh thái xanh bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Việc tạo được môi trường trong lành trong canh tác nông nghiệp vừa bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, người sản xuất vừa là nền tảng quan trọng để nhà vườn xã Mỹ Xương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ông Trần Phú Hậu ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh một trong những hộ dân thực hiện hiệu quả mô hình kinh tế đa tầng cũng là thành viên tham gia mô hình Làng Du lịch Mỹ Xương chia sẻ: “Nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, những năm gần đây, ngoài trồng xoài, gia đình tôi còn nuôi thêm thỏ, cá và trồng rau... Trung bình mỗi năm, doanh thu từ chăn nuôi lên đến vài chục triệu đồng, khoản thu nhập này giúp gia đình tôi trang trải các khoản sinh hoạt phí hằng ngày và tái đầu tư cho vườn xoài. Bên cạnh lợi ích về kinh tế từ mô hình kinh tế đa tầng còn góp phần giúp gia đình thuận lợi hơn trong việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Khi đến thăm vườn xoài của gia đình, ngoài việc được khám phá quy trình sản xuất, canh tác xoài, tham quan mô hình “Cây xoài nhà tôi” khách du lịch còn được thưởng thức nhiều món ăn đồng quê được nuôi, trồng ngay tại vườn... Đây chính là điểm đặc biệt được nhiều du khách thích thú khi đến thăm vườn xoài của gia đình”.

Với những tiềm năng đó, hiện nhiều nhà vườn xã Mỹ Xương đang nhân rộng và phát triển mô hình kinh tế đa tầng. Ngoài việc giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mô hình này còn giúp người dân tăng thu nhập, từ đó góp phần giúp địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Chia sẻ về định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương, bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết: “Bên cạnh tập trung các giải pháp hướng dẫn nông dân sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, an toàn để nâng cao giá trị cho trái xoài của địa phương, xã Mỹ Xương rất quan tâm đến việc triển khai các giải pháp nhằm lan tỏa các mô hình hay, cách làm mới nhằm giúp nông dân địa phương tăng thu nhập. Phát triển mô hình kinh tế đa tầng, phát triển du lịch nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số nông nghiệp... là những giải pháp đã và đang được xã Mỹ Xương quan tâm đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua... Địa phương kỳ vọng với nhiều giải pháp đồng bộ sẽ góp phần giúp cho nông dân trên địa bàn xã khai thác tối đa giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, phát triển sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập... Đây còn là đòn bẩy góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn