Phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng trưởng theo chiều sâu

Cập nhật ngày: 07/07/2023 04:58:05

ĐTO - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 55-CTr/TU ngày 20/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu chung là duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp nhanh, bền vững; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đi đôi với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp, phát triển các sản phẩm có thế mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; đưa công nghiệp thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đồng thời phát triển nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; phát triển thương mại, dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, mang lại giá trị gia tăng cao; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng lưới điện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, logistics đồng bộ, hiện đại, liên thông thông suốt.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7 - 7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 150 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 85%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 65%.

Đến năm 2030, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng theo chiều sâu, gia tăng giá trị, tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP khoảng 22,1%; công nghiệp - xây dựng khoảng 26,5%; thương mại - dịch vụ khoảng 43%; thuế và trợ cấp khoảng 8,4%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 48%.

Tầm nhìn đến năm 2045, Đồng Tháp trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo quan trọng của vùng và cả nước, các chỉ số phát triển kinh tế chủ yếu của tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh; xây dựng và hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành, dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh, bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh; phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững...

 Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn