Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Cập nhật ngày: 26/05/2022 10:00:48
ĐTO - Thời gian qua, sự tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến nông nghiệp, nông thôn đã giúp cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Các vùng sản xuất tập trung chuyên canh được hình thành, phát triển các loại cây, vật nuôi thế mạnh kết hợp du lịch trải nghiệm...
Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn giai đoạn 2001-2020 góp phần từng bước xây dựng nông nghiệp tỉnh nhà toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt 44.109 tỷ đồng (giá năm 2010), tăng 16.242 tỷ đồng so với năm 2008, đạt mức tăng trưởng bình quân 4,61%/năm.
Tổng diện tích gieo trồng của tỉnh đến cuối năm 2020 đạt trên 584.000ha, tăng gần 65.000ha so với năm 2008, giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 27.605 tỷ đồng, tăng 11.016 tỷ đồng so với năm 2008, bình quân đạt trên 150 triệu đồng/ha, tăng 92 triệu đồng/ha so với năm 2008. Thời gian qua, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện để nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, cây công nghiệp ngắn ngày và hoa kiểng, cây ăn trái, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tạo giá trị mới trong quá trình sản xuất.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh tổ chức lại sản xuất theo hướng chăn nuôi trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp, đưa chăn nuôi vào chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 đạt 2.515 tỷ đồng, tăng 741 tỷ đồng so với năm 2008. Đối với lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là ngành hàng cá tra đã khép kín chuỗi sản xuất từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng trên 284.000 tấn so với năm 2008. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 11.427 tỷ đồng, tăng 4.654 tỷ đồng so với năm 2008.
Hướng đến phát triển nông thôn, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực này. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 697 cơ sở và 62 doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Đáng quan tâm, thời gian qua, Đồng Tháp còn xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP); ứng dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến, giảm giá thành, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất như: mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM; cánh đồng cơ giới hóa toàn diện ứng dụng công nghệ 4.0; hệ thống tưới phun điều khiển tự động giảm giá thành trên cây rau... Không dừng lại đó, tỉnh còn ứng dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực và vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Trước những tín hiệu tích cực đó, tỉnh định hướng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tiếp theo. Về nông nghiệp, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản bình quân đạt 3,5%/năm. Đến năm 2045, phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản bình quân không thấp hơn bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Về nông dân, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 80 triệu đồng; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 98%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối nhiệm kỳ giảm còn dưới 3% so với số hộ dân cư nông thôn. Mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng khoảng 1,6 lần so với năm 2025; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 99%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội dưới 35%. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối nhiệm kỳ giảm còn dưới 3% so với số hộ dân cư nông thôn. Mục tiêu đến năm 2045, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cơ bản tiệm cận với khu vực thành thị; cơ bản 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội dưới 30%. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối nhiệm kỳ giảm còn dưới 3% so với số hộ dân cư nông thôn.
Về nông thôn, đến năm 2025 có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM và 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Định hướng đến năm 2030 và năm 2045, có 100% số xã và đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến năm 2030 đạt chuẩn tỉnh NTM; duy trì và nâng chất tỷ lệ xã và huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tương ứng theo giai đoạn, không thấp hơn kết quả bình quân của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, nông dân theo hướng hiện đại, bền vững; thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ cho dân cư nông thôn; xây dựng NTM văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa; đổi mới cơ chế chính sách và tổ chức sản xuất gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn...
Y DU