Phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Cập nhật ngày: 01/06/2023 17:20:08

ĐTO - Theo UBND tỉnh, thực hiện Quyết định 703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 2021 đến tháng 2/2023, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với một số viện, trường cùng các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (4 nhiệm vụ cấp tỉnh và 4 nhiệm vụ cấp cơ sở) về lưu giữ nguồn giống, nghiên cứu chọn tạo giống cây, con theo định hướng phát triển của ngành nông nghiệp.


Sản xuất hoa kiểng tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (TP Sa Đéc)

Đối với phát triển sản xuất giống, thời gian qua, các tổ chức sản xuất giống đã hợp tác trong liên kết và tiêu thụ với nông dân sản xuất giống đạt chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu giống trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao triển khai Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác xã tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2024. Hiện, dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Hàng năm, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trồng và cung ứng sản phẩm từ mô hình, nghiên cứu, khảo sát giống mới... với số lượng từ 15.000 - 30.000 cây/năm. Bên cạnh đó, sản xuất, cung ứng giống quýt hồng sạch bệnh theo Đề án “Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung” giai đoạn 2020 - 2024 với số lượng 20.000 - 30.000 cây giống. Ngoài ra, còn quản lý, chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá tra bố mẹ, cho sinh sản và cung cấp cá bột. Năm 2022, sản xuất 254 triệu con cá tra bột và 93.000 con cá sặc rằn bột.

Năm 2020, toàn tỉnh tiếp nhận 9.000 con cá tra hậu bị chọn giống tăng trưởng nhanh từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II và đã chuyển giao cho 7 cơ sở sản xuất giống. Để đảm bảo nguồn con giống có chất lượng tốt và từng bước thay thế dần đàn cá tra bố mẹ địa phương đang có dấu hiệu bị thoái hóa. Trong giai đoạn 2022 - 2025, ngành chuyên môn đề xuất Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tiếp tục chuyển giao cho tỉnh 90.000 con cá tra hậu bị chọn giống mang tính trạng tăng trưởng nhanh, tỷ lệ philê cao và kháng bệnh để chuyển giao các cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện sản xuất theo quy định.

Thời gian qua, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa khu nuôi cấy mô, nhà lưới, nhà màng phục vụ công tác nhân giống và sản xuất giống hoa kiểng. Tiến hành khảo sát, đề xuất 6 vùng sản xuất giống cá tra tập trung với diện tích 469ha diện tích đất tự nhiên (tại TP Hồng Ngự và các huyện: Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò, Châu Thành) nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, điện, hệ thống thủy lợi tạo điều kiện thuận lợi phát triển vùng sản xuất giống cá tra của địa phương.

Toàn tỉnh có khoảng 1.350 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Trong đó, có 78 cơ sở sinh sản và 1.104 cơ sở ương dưỡng cá tra; 24 cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh; khoảng 144 cơ sở sản xuất và ương dưỡng thủy sản khác. Trong năm 2022, sản xuất hơn 13,6 tỷ cá tra bột; gần 135 triệu con bột cá khác; gần 1,5 tỷ cá tra giống; hơn 452 triệu con giống cá khác; post tôm càng xanh 420 triệu con.

Theo UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn nhất định. Thời gian qua, việc quản lý giống cây ăn quả chưa chặt chẽ do cán bộ phụ trách chưa được đào tạo kiểm định cây giống đối với cây ăn quả. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra việc buôn bán cây giống trôi nổi từ các tỉnh khác, không có giấy phép kinh doanh, địa điểm cố định, chưa có thông tin về nguồn gốc giống. Tuy nhiên, thực trạng này chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể xử lý, chế tài. Đối với việc phát triển các nguồn gen quý, có giá trị kinh tế còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa ổn định, từ đó rất khó nhân rộng kết quả nghiên cứu phát triển các đối tượng mới.

Bên cạnh đó, việc chọn tạo giống, phục tráng giống mất nhiều thời gian, công sức; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất xuống cấp, hư hỏng thường xuyên đã ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu và sản xuất. Qua thống kê, phần lớn nhân sự kỹ thuật của các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh đều chưa được đào tạo chuyên môn về thủy sản, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm hoặc theo nghề truyền thống của gia đình. Mặt khác, diễn biến phức tạp của thời tiết, bệnh trên cá tra giống xuất hiện thường xuyên và khó điều trị ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá giống. Giá thức ăn, vật tư đầu vào liên tục tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất.

Để triển khai thực hiện chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả trong thời gian tới, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ban hành chính sách nhượng quyền giống cây trồng đối với các giống cây trồng được bảo hộ nhằm đảm bảo nguồn cung cấp giống chất lượng, ổn định. Đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quản lý giống cây ăn quả, mở lớp đào tạo kiểm định cây giống đối với cây ăn quả; có chế tài xử lý đối với việc sử dụng giống không được cấp phép để bảo hộ các đơn vị sản xuất giống đúng quy định...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn