Nông dân tăng thu nhập nhờ mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ ở Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 30/05/2023 14:49:51
Những năm gần đây, tận dụng mùa lũ về, nông dân vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp có thêm nguồn thu nhập mới từ con cá đồng tự nhiên, giúp ổn định cuộc sống.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch giúp nông dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, sinh kế mùa lũ được xem là mô hình hiệu quả, mở ra hướng canh tác mới cho nông dân vào mùa nước nổi.
Ông Nguyễn Văn Kiểm ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, có đất sản xuất màu mỡ với diện tích 10ha, nhưng trước đây anh canh tác lúa 2 vụ/năm chưa mang lại thu nhập như mong đợi.
Từ năm 2018, nhờ sự hỗ trợ của Tiểu Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” (ICRSL Đồng Tháp), thuộc Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” (MD-ICRSL), ông Kiểm đã gia mô hình sinh kế mùa lũ 2 lúa - 1 cá, sản xuất lúa theo hướng an toàn và nuôi, trữ cá đồng tự nhiên.
Mô hình 2 vụ lúa- 1 vụ cá ở huyện Hồng Ngự đang phát huy hiệu quả cao
Nhờ nuôi cá trên ruộng lúa nên lượng phân bón, thuốc trừ sâu, rầy mỗi vụ đều giảm rõ rệt (khoảng 30%). Đây là bí quyết có hạt gạo ngon, chất lượng và an toàn, để xây dựng thương hiệu gạo cơ sở Huỳnh Kiểm bán ra thị trường.
Theo Ban Quản lý Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp, với mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ cá, bình quân tổng lợi nhuận đạt 50,7 triệu đồng/ha/năm, trong đó sản xuất lúa cho lợi nhuận 42 triệu đồng/ha, cá cho lợi nhuận 8,7 triệu đồng/ha. Tổng lợi nhuận tăng 20,1 triệu đồng/ha/năm, trong đó lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng 11,4 triệu đồng/ha do áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào, sản xuất giống, liên kết tiêu thụ đầu ra…; lợi nhuận từ việc nuôi, trữ cá tăng 8,7 triệu đồng/ha.
Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (CPO Thủy lợi), qua 6 năm thực hiện, Dự án MD-ICRSL do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ đã giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả.
Tuy vậy, ĐBSCL vẫn đứng trước nhiều thách thức, khó khăn do biến đổi khí hậu. Nhằm tìm thêm các giải pháp và tăng nguồn lực cho ĐBSCL, vừa qua, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo về đề xuất dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (WB11)
Nông dân Đồng Tháp tận dụng mùa lũ để tăng thêm thu nhập
Theo đề xuất của CPO Thủy lợi, dự án WB 11 với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại 9 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.
Dự án WB 11 với 3 hợp phần: Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin; Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng; Hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu. Về tiến độ Dự án WB 11, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ nỗ lực để tháng 12/2023 sẽ có những dự án thành phần đầu tiên trình lãnh đạo Ngân hàng Thế giới để chống biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế tại 9 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.
Ánh Nguyệt