Nông dân Nguyễn Thành Quới chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng nhãn mỗi năm thu nhập tiền tỷ
Cập nhật ngày: 27/05/2023 05:56:29
ĐTO - Từng là cán bộ xã Phong Hòa, đến năm 1986, do hoàn cảnh gia đình nên ông Nguyễn Thành Quới (SN 1956, ngụ ấp Tân Quới, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) xin nghỉ việc. Nhờ những kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ có được trong quá trình tham gia công tác tại xã Phong Hòa, ông Quới mạnh dạn chuyển đổi canh tác lúa sang trồng nhãn từng bước mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Ông Nguyễn Thành Quới thường xuyên theo dõi chặt chẽ diện tích nhãn da bò được sản xuất theo hướng an toàn
Ông Nguyễn Thành Quới, bộc bạch: “Thấy việc sản xuất lúa của gia đình hiệu quả chưa cao, tôi đi học hỏi kinh nghiệm của những người tiên phong trong trồng cây nhãn ở tỉnh Vĩnh Long. Qua tìm hiểu xác định vùng đất ven sông Hậu phù hợp trồng cây ăn trái lâu năm, đồng thời, sau những lần tham gia dự lớp tập huấn về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tôi tâm đắc ý tưởng của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân là ngoài sản xuất nông nghiệp nếu nghiên cứu sản xuất được giống thì nông dân sẽ có thu nhập cao”.
Từ đó, ông Quới mạnh dạn bàn bạc với gia đình chuyển đổi 0,7ha đất chuyên sản xuất lúa sang trồng nhãn da bò với mục đích vừa bán trái vừa bán giống. Sau khi mua cây giống nhãn da bò ở tỉnh Vĩnh Long, ông Quới bắt đầu trồng và nhãn phát triển tốt, nhưng có thời điểm, ông Quới xử lý nhãn không ra trái, nên tiếp tục đi xuống cơ sở bán giống nhờ hướng dẫn kỹ thuật xử lý đối với cây nhãn da bò.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ cơ sở bán giống, nhà vườn, cán bộ và chuyên gia ngành nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, ông Quới trồng, xử lý nhãn da bò phát triển tốt và cho năng suất cao. Khi nhãn da bò tương đối lớn, ngoài bán trái, ông Quới chiết nhánh để bán giống cho thu nhập khá. Có được vốn tích lũy, ông Quới tiếp tục mua, thuê đất trồng nhãn da bò, vì nguồn cây giống đã có sẵn. Đến nay, tổng diện tích đất trồng nhãn của gia đình ông Quới hơn 3ha với nhiều loại nhãn như: da bò, ido, thanh nhãn.
Ông Nguyễn Thành Quới kể: “Sau thời gian bán giống, bán trái nhãn da bò, một số thương lái ngoài địa phương thường xuyên đến vườn để mua. Thấy có nhiều người cần mua, tôi kêu giá khá cao nhưng thương lái vẫn mua, có thời điểm với hơn 3ha đất trồng nhãn da bò vừa bán trái vừa bán cây giống cho thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm (đã trừ chi phí). Cần nói thêm, giá nhãn da bò của tôi thường giữ mức ổn định nhờ sản xuất theo hướng an toàn...”.
Từng là cán bộ xã Phong Hòa, ông Quới thường xuyên quan tâm, chia sẻ khó khăn với người dân địa phương, nhất là đối với những hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể: ông Quới hỗ trợ cây giống, cho mượn vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng nhãn... cho hàng chục hộ dân trên địa bàn xã. Đồng thời tích cực tham gia đóng góp tài lực, vật lực để làm đường đan nông thôn, xây dựng cầu bê tông, tạo thuận lợi trong đi lại và vận chuyển hàng nông sản của người dân. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, nhất là thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Phong Hòa.
Với những thành tích đạt được trong sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, ông Quới được công nhận đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Trong đó, năm 2021, ông Quới được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”. Đến năm 2022, ông Quới tiếp tục được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” từ năm 2017 - 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Với tinh thần tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào do địa phương và cấp trên phát động, thông qua các cuộc họp, sinh hoạt của chi, tổ Hội Nông dân, ông Quới tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thành lập Hội quán nông dân được người dân hưởng ứng tham gia. Từ đó, “Hòa Tâm Hội quán” được thành lập, ông Quới được bầu làm Chủ nhiệm Hội quán. Ban Chủ nhiệm tổ chức họp định kỳ mỗi tháng. Nội dung họp chủ yếu đề cập việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh trên địa bàn xã Phong Hòa. Đặc biệt, vận động nhà vườn cùng sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm giảm chi phí và người dân được sử dụng sản phẩm an toàn, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.
|
Dũng Chinh