Phát triển thương mại điện tử để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Cập nhật ngày: 10/08/2020 09:16:47
ĐTO - Những năm gần đây, mua sắm trực tuyến không còn là khái niệm xa lạ với người tiêu dùng trong nước. Song song với cách mua sắm ofline truyền thống thì người tiêu dùng hiện nay có xu hướng trải nghiệm mua sắm trên những nền tảng trực tuyến ngày một nhiều hơn. Thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi đã góp phần mở ra những cơ hội mới về việc chiếm lĩnh thị phần đối với các doanh nghiệp (DN). Song câu chuyện ở đây là cơ hội thì rất lớn nhưng để nắm bắt nó thì DN nội cần thay đổi và chuẩn bị nhiều hơn để có thể cạnh tranh tốt nhất trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).
“Thiên thời địa lợi” để triển khai thương mại điện tử
Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2019 tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của cả giai đoạn 4 năm 2016 - 2019 khoảng 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD, VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30%, khi đó quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Theo báo cáo TMĐT của các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company, với quy mô ban đầu là 3 tỷ USD năm 2015 nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình tới 38%, quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2019 đã đạt 12 tỷ USD. Báo cáo này dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2015 - 2025 là 29%. Khi đó quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN.
Với những kết quả khả quan, TMĐT đang trở thành một xu hướng mới giúp nâng sức cạnh tranh nhiều hơn cho DN nội địa. Bên cạnh những con số tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua thì các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt mới trong phát triển TMĐT tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Hiệp hội TMĐT Việt Nam tại buổi hội thảo “Phát triển TMĐT Đồng Tháp – Tăng tốc sau dịch Covid – 19” do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức vừa qua, đại dịch Covid - 19 vừa mang đến những thách thức cho thị trường TMĐT nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội làm thay đổi mạnh mẽ hành vi của người tiêu dùng. Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4 vừa qua, giai đoạn khó khăn nhất đối với nhiều DN sản xuất và kinh doanh, song thay vì ngã quỵ, nhiều DN đã phát triển kinh doanh trên nền tảng TMĐT. Với chủ trương giãn cách xã hội để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh và xu hướng hạn chế ra đường của người tiêu dùng đã trở thành chất xúc tác quan trọng góp phần thay đổi hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Các nhóm hàng hóa được tiêu thụ mạnh tại các sàn TMĐT, mạng xã hội, không chỉ dừng lại ở các nhóm mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu mà người tiêu dùng còn mua sắm nhiều sản phẩm giá trị khác từ các nền tảng trực tuyến. Đây là một trong những tín hiệu tích cực để Việt Nam tăng tốc phát triển TMĐT.
Xác định TMĐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, tháng 5/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể về phát triển TMĐT Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số TMĐT DN - người tiêu dùng (B2C), tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến, tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Bên cạnh đó, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp chinh phục “vùng đất mới”
Rõ ràng với những yếu tố tích cực từ tín hiệu thị trường, cơ sở hạ tầng cũng như cơ chế khuyến khích phát triển từ Nhà nước, TMĐT đang trở thành một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số. Muốn phát triển và thích nghi với nền kinh tế số thì đòi hỏi DN phải thay đổi và thích ứng phù hợp.
Tại Đồng Tháp, thời gian qua, một số DN đã bắt đầu quan tâm nhiều đến ứng dụng TMĐT trong kinh doanh. Song song với xu hướng bán hàng đa kênh, sự phát triển của công nghệ thông tin đã hỗ trợ nhiều DN nâng cao lợi thế cạnh tranh trong thời đại kinh tế số nhờ rút ngắn hoặc bỏ qua các khâu trung gian để tiếp cận nhanh nhất tới khách hàng. Mô hình bán hàng trực tuyến tới người tiêu dùng cuối cùng đang lôi cuốn nhiều DN, không chỉ các DN lớn đầu tư để thích ứng với cạnh tranh trong thời đại số, nhiều DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cũng có thể thành công mô hình bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Là một trong những cơ sở sản xuất cá khô nhỏ ở khu vực biên giới của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nhiều năm qua, Cơ sở sản xuất cá khô Tiến Phương kinh doanh chủ yếu bằng hình thức bán hàng sỉ và lẻ cho đại lý và người tiêu dùng qua kênh ofline truyền thống. Song, thời gian gần đây với việc tiếp cận với hình thức kinh doanh trực tuyến thông qua các sàn TMĐT, nhiều sản phẩm khô của cơ sở này đã được phân phối rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành thông qua sàn TMĐT TiKi. Anh Nguyễn Tiến Phương - chủ cơ sở sản xuất cá khô Tiến Phương cho biết: “Vào giai đoạn cao điểm của dịch Covid – 19, cơ sở của tôi cũng gặp khó khăn giống như nhiều DN sản xuất kinh doanh khác. Song chính thời điểm đó, tôi bắt đầu đẩy mạnh bán hàng qua kênh mạng xã hội Facebook và Zalo. Nhờ việc chuyển hướng này đã giúp cơ sở sản xuất của tôi duy trì được guồng máy. Nhờ phát triển sang kinh doanh online, tôi nhận thấy kinh doanh trực tuyến là một lĩnh vực mới mà cơ sở của tôi có thể thâm nhập và mở rộng thị trường. Đây chính là nguyên nhân khiến tôi quyết tâm đưa sản phẩm của mình lên các sàn TMĐT”.
Kinh doanh trực tuyến không những không ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống mà thông qua kênh mới này có thể giúp DN mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm thuận lợi hơn, từ đó góp phần giúp sản phẩm của DN đến gần với người tiêu dùng hơn.
Tuy nhiên, từ sản xuất kinh doanh truyền thống đến phát triển kinh doanh trực tuyến không phải là câu chuyện dễ dàng đối với nhiều DN hiện nay. Bởi dù là một “mảnh đất mới màu mỡ” song sự cạnh tranh từ kinh doanh trực tuyến cũng gay gắt không hề thua kém các kênh truyền thống. Đặt biệt, để có thể “thắng” được ở kênh kinh doanh mới này đòi hỏi DN phải có tiềm lực và hạ tầng công nghệ thông tin cũng như có được nguồn nhân lực giỏi, am hiểu về kinh doanh trực tuyến.
Hiểu được khó khăn của DN tỉnh nhà trong việc tiếp cận kinh doanh với nền tảng số vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển TMĐT Đồng Tháp – Tăng tốc sau dịch Covid – 19”. Thông qua buổi hội thảo, các DN, cơ sở sản xuất của Đồng Tháp không những hiểu hơn về những tiềm năng và cơ hội trong việc sớm triển khai phát triển kênh TMĐT mà còn được các chuyên gia trong lĩnh vực này “cầm tay chỉ việc” trong các khâu chuẩn bị cần thiết khi chuyển sang kinh doanh ở kênh TMĐT.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa kỳ vọng, với sự sáng tạo và nhạy bén của cộng đồng DN tại Đồng Tháp, TMĐT sẽ trở thành một cú hích quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà tăng tốc. UBND tỉnh cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như đẩy nhanh chuyển đổi số khi phát triển kinh doanh tại Đồng Tháp. Đặc biệt, để sản phẩm đặc sản của Đồng Tháp đến gần hơn với người tiêu dùng số, vừa qua, tỉnh Đồng Tháp cũng phối hợp với sàn TMĐT Tiki ra mắt Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp trên sàn TMĐT TiKi. Thông qua hoạt động này, tỉnh Đồng Tháp mong muốn mang những mặt hàng đặc sản chất lượng của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng và địa phương cũng kỳ vọng đây sẽ là động lực để các DN, cơ sở sản xuất mạnh dạn hơn trong việc triển khai và ứng dụng TMĐT.
Mỹ Lý