Thực hiện nhiều giải pháp gỡ khó cho ngành hàng cá tra
Cập nhật ngày: 06/08/2020 05:45:36
ĐTO - Những tháng đầu năm, dịch Covid-19 tác động lớn đến tình hình sản xuất và hoạt động xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng này, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh nhà, các DN cần cải thiện chất lượng, hình ảnh và xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid - 19
DN chế biến cá tra gặp nhiều khó khăn
Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, đến ngày 31/7/2020, tổng diện tích nuôi cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gần 2.000ha, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 13%; diện tích thu hoạch là 1.844ha, giảm 21%; sản lượng đạt khoảng 615 ngàn tấn, giảm 17% so với cùng kỳ 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 667,5 triệu USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng tại Đồng Tháp, 6 tháng đầu năm 2020, diện tích nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh là 1.624ha, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó sản lượng cá tra thu hoạch đạt 214.000 tấn, giảm gần 24%. Cá tra nguyên liệu vẫn giữ mức thấp dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi chịu lỗ khoảng 3.000- 3.600 đồng/kg.
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu cá tra toàn tỉnh đạt hơn 133.000 tấn, giảm 1,7%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 297 triệu USD, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Asean chiếm tỷ trọng 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên một số thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan giảm từ 25- 47%.
Theo Sở Công Thương, trong những tháng đầu năm, DN xuất khẩu cá tra của tỉnh gặp nhiều khó khăn do rào cản thương mại, kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn; các quy định mới về EVFTA của thị trường EU. Bên cạnh đó, các DN chưa thực sự quan tâm đúng mức sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng từ các phụ phẩm trong chế biến thủy sản như đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ...
Ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho biết, dịch Covid - 19 ảnh hưởng rất lớn đến DN xuất khẩu cá tra. Hiện tại, đơn vị chỉ xuất được khoảng 50 - 60% lượng hàng đã gia công. Do đó, lượng hàng còn tồn lại, công ty phải trữ trong kho lạnh, DN phải chịu nhiều thuế, phí, duy trì sản xuất để tạo việc làm cho công nhân, đội ngũ lao động...
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: “Thời gian qua, dịch Covid - 19 tác động mạnh đến chuỗi ngành hàng cá tra. Trong đó, diện tích nuôi, thu hoạch, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm mạnh. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho của các DN tăng, đơn vị phải thuê kho lạnh để trữ hàng. Ngoài ra, chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm, khiến tỷ lệ hao hụt trong giai đoạn nuôi thương phẩm tăng cao dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp...”
Giá cá nguyên liệu giảm mạnh, người nuôi gặp khó khăn
Giải pháp nâng cao giá trị ngành hàng cá tra
Theo Sở Công Thương, trong điều kiện tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Nhà nước cần tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho DN (về thuế, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, thủ tục hành chính...) nhằm giúp đơn vị khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục đồng hành cùng DN trong việc phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế; củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới; phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng...
Riêng DN xuất khẩu cá tra cần tập trung phát triển các thị trường sẵn có, đặc biệt là các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN... chiếm tỷ trọng cao. Bên cạnh đó, DN cần tiếp tục cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị làm gia tăng tự động hóa (công nghệ 4.0) trong bảo quản, sơ chế, chế biến thủy sản; ứng dụng các công nghệ Enzym, protein, vi sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các vấn đề về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh theo quy định của nước nhập khẩu và của Việt Nam.
Ông Ong Hàng Văn đề nghị: “Thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội Cá tra Việt Nam cần kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh quy định, tiêu chuẩn nước thải ao nuôi cá tra với nước thải ao nuôi của các loại cá khác. Đồng thời có những quy định về quản lý, quy hoạch vùng nuôi, hỗ trợ việc khoanh vốn cho DN, hộ nuôi cá tra...”
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, để đảm bảo duy trì việc sản xuất, DN cần đẩy mạnh giao dịch điện tử; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhanh theo yêu cầu thị trường hiện tại. DN cần có định hướng tiêu thụ nội địa các mặt hàng cá tra; áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, nâng cao chất lượng sản phẩm; thúc đẩy cạnh tranh và tập trung tái cấu trúc tài chính DN. Trước ảnh hưởng của dịch Covid – 19, các sở, ngành liên quan cần xem xét hỗ trợ cho DN xuất khẩu, chế biến cá tra về phương án giảm giá điện, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất...”
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, xác định cá tra là ngành chủ lực của tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ cam kết thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN trước tác động của dịch Covid – 19. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan hỗ trợ DN ổn định tư tưởng cho người lao động; tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ vùng nuôi; định hướng quy hoạch khu, cụm công nghiệp mới có hiệu quả, xây dựng chuỗi ngành hàng liên kết bền vững. Đối với các DN chế biến cá tra cần định hướng những chiến lược phát triển bền vững, quan tâm hơn trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra...
KHÁNH PHAN