Xử lý ra hoa rải vụ trên xoài

Cập nhật ngày: 04/08/2020 06:22:29

Với mong muốn xây dựng và hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa xoài cải tiến dần thay thế cho quy trình sử dụng Paclobutrazol và Thiourea đang được áp dụng hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh vừa phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học “Xử lý ra hoa rải vụ xoài”. Tham dự chương trình có trên 130 đại biểu là cán bộ ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và đông đảo nông dân đến từ tỉnh Đồng Tháp, một số tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.


Thời gian qua, nhiều nông dân ở Đồng Tháp đã áp dụng kỹ thuật cho xoài rải vụ giúp tăng hiệu quả kinh tế

Diện tích trồng xoài ở tỉnh Đồng Tháp trong những năm qua có xu hướng tăng nhưng sản lượng các tháng trong năm chưa đều và ổn định nên việc cung ứng cho thị trường còn hạn chế, gây khó khăn cho việc liên kết tiêu thụ bền vững. Trước những khó khăn này, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã triển khai xây dựng nhiều điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn gắn với liên kết tiêu thụ cho nhà vườn. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nhiều mô hình rải vụ xoài gắn với liên kết tiêu thụ, thực hành sản xuất rải vụ thu hoạch xoài theo hướng an toàn. Với những hiệu quả bước đầu mang lại, mô hình rải vụ đang mang lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế cho nhà vườn trồng xoài. Vì vậy trong những năm qua, diện tích xoài rải vụ của Đồng Tháp không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 2.800ha được thực hiện rải vụ thì đến năm 2020 ước đạt khoảng 8.000ha, chiếm khoảng 70% tổng diện tích trồng xoài toàn tỉnh.

Vấn đề được nhiều nhà vườn rồng xoài quan tâm hiện nay là việc hoàn thiện về quy trình kỹ thuật rải vụ xoài. Theo GS.TS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay quy trình xử lý ra hoa trái vụ trên xoài bằng Paclobutrazol và Thiourea không còn phù hợp. Theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 9/2/2018 hoạt chất Paclobutrazol không được sử dụng trên cây ăn trái từ tháng 8/2019 và Thiourea đã bị rút khỏi danh mục phân bón được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Do đó, việc tìm ra một chất để thay thế Paclobutrazol để tạo mầm hoa và Thiourea kích thích chỗ hoa là điều bức xúc đối vơi người nông dân trồng xoài.

Xuất phát từ thực tế đó, GS.TS Trần Văn Hâu cùng các cộng sự Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài nghiên cứu tìm ra chất Uniconazonle thay thế cho Paclobutrazol để tạo mầm hoa và Thiourea để kích thích chỗ hoa trên xoài. Sau khi thực hiện nhiều mô hình nghiên cứu tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long, bước đầu cho thấy hoạt chất Uniconazonle đáp ứng tốt những yêu cầu về kỹ thuật cho xoài ra hoa trái vụ, đac biệt đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Tại hội thảo, nhiều nhà vườn đánh giá cao về quy trình xử lý ra hoa cải tiến trên xoài của GS.TS Trần Văn Hâu cùng các cộng sự. Đồng thời, nhiều nhà vườn cho rằng, giải pháp kỹ thuật mới này sẽ là hướng đi triển vọng giúp nâng cao chất lượng cho trái xoài của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn