Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Cập nhật ngày: 03/04/2025 05:17:47

ĐTO - Thời gian qua, các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố tiếp tục triển khai và phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân...

Sản phẩm OCOP và sản phẩm khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của khách hàng tại Diễn đàn Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lần II năm 2024
Năm qua, công tác tuyên truyền về chủ trương, định hướng thực hiện Chương trình OCOP tiếp tục được tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Tạo đòn bẩy cho sản phẩm OCOP phát triển, các đơn vị còn lồng ghép các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển có hiệu quả các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Công thương phối hợp triển khai thực hiện hỗ trợ cho 12 cơ sở với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là 2,713 tỷ đồng để thực hiện đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho 108 lượt hồ sơ của các chủ thể về đầu tư vào hoạt động hoa học và công nghệ với tổng kinh phí hơn 1,144 tỷ đồng. Đồng thời, từ chính sách đầu tư phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ hơn 100 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trong đó có 55 điểm được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch với kinh phí giải ngân hơn 19 tỷ đồng.
Các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp được tỉnh quan tâm triển khai. Đồng thời duy trì thường xuyên hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, 581 sản phẩm được công nhận OCOP (464 sản phẩm 3 sao; 116 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao) của 246 chủ thể duy trì kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn (Tiki, Lazada, Shopee, Sendo,TikTok...); 100% sản phẩm OCOP được duy trì trên các sàn thương mại điện tử.
Tỉnh còn triển khai Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ thể OCOP hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn”. Đến nay phát triển được 2.451 tên miền, nâng tổng số tên miền quốc gia trên địa bàn tỉnh là 4.311 tên miền.
Theo UBND tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 581 sản phẩm (464 sản phẩm 3 sao; 116 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao) của 246 chủ thể. Đáng phấn khởi là các ngành hàng chủ lực của tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Ngành hàng lúa gạo có 66 sản phẩm gạo và chế biến từ gạo được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao; ngành hàng xoài có 13 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao được xuất khẩu sang cả thị trường khó tính. Ngành hàng hoa kiểng có 7 điểm du lịch trải nghiệm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao; ngành hàng cá tra có 6 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đối với ngành hàng sen có 60 sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng từ sen được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao. Các dòng sản phẩm từ sen đang dần được đa dạng hóa và hiện có khoảng 500 sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, thuốc, mỹ phẩm...
Điểm đáng chú ý là các chủ thể OCOP ngày càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa Chương trình OCOP, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính sách hỗ trợ trong việc chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP được triển khai kịp thời đưa sản phẩm vào kinh doanh tại các hệ thống phân phối lớn, phát triển kinh doanh qua thương mại điện tử. Mặt khác, các sản phẩm OCOP luôn được quan tâm ưu tiên quảng bá, xúc tiến thương mại tại các sự kiện thương mại trong và ngoài nước.
Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: số lượng sản phẩm OCOP 5 sao, số lượng chủ thể OCOP là hợp tác xã chưa đạt như mong đợi; nhiều sản phẩm trùng lặp trên cùng một địa phương; bao bì, nhãn hiệu chưa được chuẩn hóa hoàn thiện theo quy định của Chương trình OCOP và xu hướng thị trường toàn cầu hiện nay; tính chủ động quảng bá thương hiệu, hàng hóa một số chủ thể còn hạn chế...
Trước nhưng thuận lợi và khó khăn đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2025 với một số chỉ tiêu chủ yếu. Theo đó, duy trì, củng cố nâng chất các sản phẩm đạt chứng nhận 3 - 5 sao OCOP; phấn đấu có ít nhất 60 sản phẩm mới tham gia đánh giá phân hạng năm 2025. Trong đó, 40 sản phẩm 3 sao và 20 sản phẩm 4 sao (mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 sản phẩm mới tham gia đánh giá 4 sao OCOP).
Hỗ trợ ít nhất 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia. Phấn đấu có ít nhất 50% sản phẩm OCOP công nhận năm 2022 tham gia đánh giá, phân hạng lại năm 2025. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề có nguồn nguyên liệu cung ứng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; phấn đấu mỗi huyện, thành phố hỗ trợ ít nhất 1 chủ thể OCOP mới là hợp tác xã, 1 sản phẩm OCOP từ làng nghề, làng nghề truyền thống. Phấn đấu tham gia diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng/xã một sản phẩm ít nhất 1 lần/năm nhằm nâng cao và khẳng định thương hiệu OCOP Đồng Tháp.
Đồng thời tiếp tục duy trì các nội dung tiêu chí như: phấn đấu mỗi đơn vị cấp huyện thực hiện xây dựng tối thiểu 1 chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; hỗ trợ chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP gắn kết với cơ sở cấu hình lại các ngành theo hướng giá trị, phát triển kinh tế xanh, bền vững, phù hợp với lợi thế, điều kiện của địa phương. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 10% và có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ; 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại và sản phẩm OCOP của tỉnh được kinh doanh trên môi trường có thực hiện giao dịch...
Y DU