Nhiều giải pháp phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Cập nhật ngày: 29/03/2025 05:23:21

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250329052414dt2-4.mp3

 

ĐTO - Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, trong đó có các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến thanh, thiếu niên (TTN), UBND huyện Cao Lãnh chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn phối hợp triển khai nhiều giải pháp quản lý TTN, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sân chơi lành mạnh, thu hút TTN tham gia.


Quang cảnh phiên tòa giả định do Chi đoàn Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Phòng Tư pháp huyện cùng các ngành phối hợp tổ chức tại Trường THPT Cao Lãnh 1

Từ năm 2024 đến đầu năm 2025, công tác tuyên truyền phòng, chống TTN VPPL được các ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện phối hợp tổ chức thường xuyên tại các điểm trường, trên hệ thống phát thanh từ huyện đến các xã, thị trấn. Theo đó, Huyện đoàn Cao Lãnh duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ “Nhịp sống trẻ”, tổ chức hơn 80 cuộc tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội, hơn 7.200 lượt TTN tham dự. Đồng thời phối hợp Chi đoàn Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện tổ chức các phiên tòa giả định có hơn 1.000 đoàn viên, học sinh cấp THCS, THPT tham gia.

Tại xã Nhị Mỹ, Huyện đoàn, Xã đoàn, các ngành phối hợp tổ chức buổi truyền thông pháp luật cho 60 học sinh cấp THCS những nội dung liên quan đến phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, an toàn giao thông và các hoạt động tư vấn, truyền thông về sức khỏe tâm thần, phòng, chống bạo lực học đường. Ngày 17/3/2025, tại Trường THPT Thống Linh, Huyện đoàn Cao Lãnh, Chi đoàn Viện kiểm sát - Thi hành án huyện phối hợp tổ chức phiên tòa giả định với các tình huống vi phạm an toàn giao thông, có hơn 100 học sinh, phụ huynh của trường tham gia. Tại phiên tòa giả định, các em học sinh được đại diện các ngành cung cấp kiến thức về quy trình tố tụng, hậu quả khi vi phạm, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, các ngành: giáo dục và đào tạo, tư pháp phối hợp tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Tổ chức hội nghị triển khai phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành; sinh hoạt Câu lạc bộ hòa giải, Câu lạc bộ “Cà phê với pháp luật”... Các đơn vị trường phối hợp Công an xã, thị trấn thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ nhận biết các loại chất, tiền chất ma túy mới cho TTN chủ động phòng tránh.

Công an các xã, thị trấn triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; thường xuyên rà soát, phân loại, kết hợp với răn đe, quản lý TTN VPPL, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội tại địa bàn. Đồng thời củng cố mô hình xã không có tệ nạn xã hội; lồng ghép các chương trình dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn và các chính sách an sinh xã hội cho TTN, tạo cơ hội cho TTN tiếp cận, tìm được việc làm ổn định không VPPL. Hiện nay, UBND các xã, thị trấn phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp duy trì hoạt động các Câu lạc bộ “Người hoàn lương” tại các xã: Phương Thịnh, Ba Sao, Nhị Mỹ, Tân Hội Trung và An Bình; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tạo sân chơi lành mạnh và thu hút nhiều TTN tham gia, góp phần hạn chế phát sinh VPPL.

Trong thời gian tới, các ngành, UBND các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 118/KH-UBND của UBND huyện về phòng, chống TTN VPPL trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025. Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn. Lực lượng Công an, ngành giáo dục và đào tạo, Huyện đoàn phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong học sinh, đoàn viên, thanh niên.

Lực lượng Công an cùng các ngành phối hợp rà soát, quản lý các trường hợp TTN từng VPPL, có nguy cơ VPPL quản lý, giáo dục tại xã, thị trấn; thực hiện tốt việc quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Hội đồng bảo vệ an ninh, trật tự xã, thị trấn nâng cao hiệu quả hoạt động, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm, cảm hóa, giáo dục TTN VPPL hoặc có nguy cơ VPPL. Các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền định hướng việc làm, học nghề cho TTN, tạo sân chơi, khuyến khích TTN hưởng ứng, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn